[In trang]
Hỏi đáp quanh vấn đề học nghề, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề
Thứ hai, 27/04/2015 - 16:27
Người sử dụng lao động có trách nhiệm tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người đang làm việc cho mình không?



Hỏi: Theo quy định của BLLĐ năm 2012, người sử dụng lao động có trách nhiệm tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người đang làm việc cho mình không?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 60 BLLĐ năm 2012, người sử dụng lao động có trách nhiệm tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề của người lao động đang làm việc cho mình, cụ thể như sau:

- Người sử dụng lao động xây dựng kế hoạch hằng năm và dành kinh phí cho việc đào tạo và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động đang làm việc cho mình; đào tạo cho người lao động trước khi chuyển làm nghề khác cho mình.

- Người sử dụng lao động phải báo cáo kết quả đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh trong báo cáo hằng năm về lao động.

Đồng thời theo quy định tại Điều 59 BLLĐ năm 2012, Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động có đủ điều kiện thành lập cơ sở dạy nghề hoặc mở lớp dạy nghề tại nơi làm việc để đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động đang làm việc cho mình và đào tạo nghề cho người học nghề khác theo quy định của pháp luật dạy nghề.

Hỏi: Doanh nghiệp N tuyển một số người vào học nghề để sau đó làm việc cho doanh nghiệp với mức học phí là 200.000 đồng/tháng. Xin hỏi, theo quy định của BLLĐ năm 2012, trong trường hợp này doanh nghiệp N có được thu học phí không?

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 61 BLLĐ năm 2012, người sử dụng lao động tuyển người vào học nghề, tập nghề để làm việc cho mình, thì không phải đăng ký hoạt động dạy nghề và không được thu học phí. 

Doanh nghiệp N thu phí của người vào học nghề như vậy là vi phạm quy định của pháp luật.

Hỏi: Hợp tác xã sản xuất đồ gỗ V tuyển một số em dưới 15 tuổi vào học nghề để làm ở xưởng sản xuất của hợp tác xã. Như vậy có vi phạm quy định của BLLĐ năm 2012 không?

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 BLLĐ năm 2012, người lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động, làm việc theo hợp đồng lao động, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động. 

Điều 61 BLLĐ năm 2012 quy định, người sử dụng lao động được tuyển người vào học nghề, tập nghề để làm việc cho mình. Người học nghề, tập nghề trong trường hợp này phải đủ 14 tuổi và phải có đủ sức khoẻ phù hợp với yêu cầu của nghề, trừ một số nghề do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định. Hai bên phải ký kết hợp đồng đào tạo nghề. 

Như vậy, đối chiếu với quy định trên, hợp tác xã sản xuất đồ gỗ V được phép tuyển các em vào học nghề dưới 15 tuổi nhưng phải đủ 14 tuổi, còn nếu tuyển các em dưới 14 tuổi là vi phạm quy định của BLLĐ năm 2012.

Hỏi: Trong trường hợp người sử dụng lao động tổ chức đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động thì có phải ký kết hợp đồng đào tạo nghề không?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 62 BLLĐ năm 2012, thì hai bên (người sử dụng lao động và người lao động) phải ký kết hợp đồng đào tạo nghề trong trường hợp người lao động được đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, đào tạo lại ở trong nước hoặc nước ngoài từ kinh phí của người sử dụng lao động, kể cả kinh phí do đối tác tài trợ cho người sử dụng lao động.

Hợp đồng đào tạo nghề phải làm thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.

Hợp đồng đào tạo nghề phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

- Nghề đào tạo; 

- Địa điểm đào tạo, thời hạn đào tạo; 

- Chi phí đào tạo; 

- Thời hạn người lao động cam kết phải làm việc cho người sử dụng lao động sau khi được đào tạo;

- Trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo;

- Trách nhiệm của người sử dụng lao động.

Chi phí đào tạo bao gồm các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người học trong thời gian đi học. Trường hợp người lao động được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian ở nước ngoài.

Nguyễn Thành