[In trang]
Một vài kinh nghiệm trong tham gia giải quyết tranh chấp lao động và đình công tại doanh nghiệp
Thứ ba, 26/05/2015 - 14:00
Tăng cường đối thoại giữa người sử dụng lao động với người lao động và tuyên truyền pháp luật lao động cho người lao động

Trong những năm qua, các doanh nghiệp và lực lượng lao động có bước phát triển nhanh về số lượng, từng bước nâng cao về chất lượng, góp phần tích cực vào thành tựu đổi mới. Tuy nhiên, theo đó cũng nảy sinh vấn đề tranh chấp lao động và đình công, đặc biệt tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Hầu hết các vụ tranh chấp lao động tập thể và đình công xảy ra đều không theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật.

Ảnh minh họa

Nguyên nhân chủ yếu là do người sử dụng lao động vi phạm pháp luật lao động, làm thiệt hại về quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Do đó, vai trò của tổ chức công đoàn tham gia giải quyết tranh chấp lao động tại doanh nghiệp là hết sức quan trọng trong việc tạo ra môi trường thu hút đầu tư và xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp.

Tích cực phòng ngừa

Các cấp công đoàn cần thường xuyên tuyên truyền đến công nhân lao động, đoàn viên công đoàn về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thông qua nhiều hình thức, như: Sinh hoạt, học tập, tổ chức các hội thi tìm hiểu pháp luật, biên soạn và phát hành các tài liệu... nhằm giáo dục và nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật, tác phong công nghiệp, văn hóa ứng xử...

Để nâng cao số lượng và chất lượng hoạt động công đoàn, các cấp công đoàn cần chú trọng đến việc thành lập công đoàn cơ sở, phát triển đoàn viên công đoàn, củng cố Ban Chấp hành công đoàn cơ sở yếu, xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh, thường xuyên quan tâm đến vấn đề đào tạo, bồi dưỡng, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ công đoàn cơ sở.

Mặt khác, tổ chức công đoàn cần tăng cường hoạt động của Văn phòng Tư vấn pháp luật, các tổ tư vấn pháp luật; thành lập và đưa vào hoạt động tổ tư vấn pháp luật ở các doanh nghiệp có đông công nhân lao động và thực hiện hội nghị đối thoại giữa người lao động và người sử dụng lao động để góp phần thực hiện tốt pháp luật lao động; phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác thanh, kiểm tra đối với các doanh nghiệp có nguy cơ tiềm ẩn xảy ra tranh chấp lao động tập thể và đình công. Đồng thời, cán bộ công đoàn cần sâu sát cơ sở, sát người lao động để nắm bắt tâm tư nguyện vọng, giải quyết kịp thời các mâu thuẫn phát sinh, không để xảy ra tranh chấp lao động tập thể và đình công; định kỳ tổ chức hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến trong CNVCLĐ nhằm ghi nhận sự đóng góp của người lao động trong phong trào thi đua lao động sản xuất, ý thức chấp hành pháp luật lao động, tích cực tham gia hưởng ứng các phong trào do công đoàn phát động.

Bên cạnh đó, tổ chức công đoàn cần phối hợp tổ chức biểu dương người sử dụng lao động chấp hành tốt pháp luật lao động, Luật Công đoàn; tổ chức họp mặt tọa đàm giữa người sử dụng lao động và công nhân lao động trong các doanhg nghiệp, nhằm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị. Ngoài ra, các hoạt động xã hội luôn được các cấp công đoàn quan tâm, tổ chức thăm, tặng quà cho công nhân lao động nghèo, công nhân lao động bị tai nạn lao động, công nhân ăn Tết xa quê...

Phối hợp với các ngành chức năng

Khi xảy ra tranh chấp lao động tập thể tại doanh nghiệp, công đoàn cơ sở chủ động bàn bạc, đề xuất với người sử dụng lao động giải quyết các kiến nghị của người lao động. Trong trường hợp giải quyết không thành, công đoàn cơ sớ cùng với công đoàn cấp trên và các ngành chức năng phối hợp giải quyết; các thành viên liên ngành thực hiện chức năng để ổn định tình hình, nắm bắt ý kiến, nguyện vọng của công nhân lao động, thống nhất kết luận và đưa ra các giải pháp hòa giải, giải quyết các nội dung do người lao động kiến nghị. Yêu cầu người sử dụng lao động chấp hành các nội dung vi phạm pháp luật và thương lượng giải quyết các nội dung về lợi ích; đề nghị người sử dụng lao động thông báo bằng văn bản việc giải quyết các kiến nghị của người lao động. Với cách làm trên, hầu hết các vụ tranh chấp lao động tập thể đều được phối hợp hòa giải sớm và có hiệu quả.

Khi xảy ra các vụ tranh chấp lao động tập thể và đình công mang tính chất phức tạp, người sử dụng lao động không hợp tác, thời gian kéo dài, cùng lúc xảy ra tại nhiều doanh nghiệp thì công đoàn cấp trên cơ sở đề nghị các tổ tham gia giải quyết tranh chấp lao động tập thể và đình công cấp trên phối hợp giải quyết.

Để giải quyết có hiệu quả các vụ tranh chấp lao động tập thể, đình công, đòi hỏi cán bộ công đoàn phải có kiến thức nhất định về pháp luật lao động, Luật Công đoàn, kỹ năng giao tiếp, có năng lực, bản lĩnh, có khả năng nhận định, đánh giá nguyên nhân xảy ra tranh chấp lao động tập thể, đình công để có những giải pháp xử lý linh hoạt, như đối với những doanh nghiệp có đông công nhân cần tập hợp giải thích cho cán bộ từ tổ sản xuất trở lên về nội dung và kết quả các ngành thương lượng, giải quyết các kiến nghị của người lao động đảm bảo quyền, lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động.

Trong khi xảy ra tranh chấp lao động tập thể, nhìn chung nhiều doanh nghiệp, người sử dụng lao động đã có thiện chí hợp tác với các ngành chức năng và tổ chức công đoàn để cùng ổn định tình hình. Kịp thời cam kết thực hiện các kiến nghị và giải quyết các chế độ chính sách có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Tuy nhiên, cũng còn một số doanh nghiệp, người sử dụng lao động thiếu thiện chí hợp tác để giải quyết các yêu cầu của người lao động, dẫn đến vụ việc tranh chấp lao động tập thể, đình công kéo dài, phức tạp, đòi hỏi tổ chức công đoàn và các ngành chức năng phải tốn nhiều thời gian và công sức mới giải quyết được hiệu quả. Vì vậy, sau mỗi vụ tranh chấp lao động tập thể và đình công, công đoàn cùng các ngành chức năng họp đánh giá rút kinh nghiệm, có khen, động viên doanh nghiệp hợp tác tốt hoặc phê phán, nhắc nhở các hành vi thiếu thiện chí của người sử dụng lao động.

Củng cố mối quan hệ sau tranh chấp lao động tập thể và đình công

Để đảm bảo cho mối quan hệ lao động được hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, sau tranh chấp lao động tập thể, đình công, các cấp công đoàn cần chủ động phối hợp cùng các ngành chức năng giám sát, đôn đốc người sử dụng lao động thực hiện các kết luận, kiến nghị của liên ngành và cam kết của doanh nghiệp. Kiến nghị với các ngành chức năng kiểm tra, xử phạt hành chính, đồng thời đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng số doanh nghiệp không thực hiện đúng những nội dung đã kiến nghị trong biên bản của liên ngành.

Các cấp công đoàn rà soát các quy định của pháp luật lao động về quyền, nghĩa vụ của các bên để tham gia với chủ doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của pháp Luật Lao động; nhất là các công đoàn cơ sở khi nhận được để xuất, kiến nghị của công nhân lao động phải tích cực chủ động đàm phán với người sử dụng lao động để kịp thời giải quyết không để xảy ra tranh chấp lao động.

Tuyên truyền vận động thành lập công đoàn cơ sở và phát triển được công đoàn các doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn, tổ chức các lớp tập huấn để củng cố chất lượng hoạt động của công đoàn, nhằm nâng cao năng lực cán bộ công đoàn, hướng dẫn nghiệp vụ về kỹ năng hòa giải, giải quyết tranh chấp lao động tập thể, kỹ năng đàm  phán thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể cho cán bộ công đoàn cơ sở, nhất là nội dung hoạt động của tổ công đoàn.

Ngoài ra, cần tăng cường công tác thành lập hội đồng hòa giả lao động cơ sở trong các doanh nghiệp; hướng dẫn kỹ năng hòa giải giải quyết các vụ tranh chấp lao động cho các thành viên nhằm nâng cao chất lượng để hòa giải kịp thời các tranh chấp lao động phát sinh tại cơ sở, tăng cường đối thoại giữa người sử dụng lao động với người lao động và tuyên truyền pháp luật lao động cho người lao động.

Tiến Vinh