[In trang]
Quan hệ lao động ở Việt Nam - Những vấn đề đặt ra và định hướng hoàn thiện
Thứ sáu, 03/04/2015 - 14:44
Bộ luật Lao động được ban hành đã đặt nền tảng pháp lý cho việc hình thành và phát triển quan hệ lao động ở Việt Nam

Theo quan niệm của nhiều nước, quan hệ lao động là mối quan hệ giữa các chủ thể về quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi bên trong quá trình lao động như việc làm, tiền lương, các điều kiện làm việc…, được hình thành thông qua thương lượng, thoả thuận theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, hợp tác, tôn trọng lẫn nhau.


Các chủ thể trong quan hệ lao động 

Trong phạm vi doanh nghiệp, quan hệ lao động là mối quan hệ giữa người lao động, đại diện của người lao động (công đoàn cơ sở) và người sử dụng lao động trong việc thực hiện các qui định của pháp luật lao động và các cam kết của doanh nghiệp về hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể, tiền lương, bảo hiểm xã hội, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động và các điều kiện khác nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của các bên.

Trong phạm vi quốc gia (hoặc địa phương) quan hệ lao động là mối quan hệ giữa Nhà nước, đại diện người lao động và đại diện người sử dụng lao động trong việc hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật lao động, hỗ trợ thúc đẩy hai bên tại doanh nghiệp xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ.

Ở cấp quốc gia, các chủ thể trong quan hệ lao động gồm: 

- Nhà nước (Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan Chính phủ): Nhà nước có vai trò hết sức quan trọng trong việc xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật lao động, tổ chức triển khai và giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực thi pháp luật; tổ chức các thiết chế để bảo đảm và hỗ trợ quan hệ lao động, điều hoà lợi ích của các bên trong quan hệ lao động;

- Đại diện người lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam): Tham gia cùng Nhà nước xây dựng chính sách pháp luật liên quan đến quyền và lợi ích người lao động; hỗ trợ công đoàn ngành, công đoàn doanh nghiệp thúc đẩy phát triển quan hệ hai bên;

- Đại diện người sử dụng lao động (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) tham gia cùng Nhà nước xây dựng chính sách pháp luật liên quan đến quyền và lợi ích của người sử dụng lao động (chủ doanh nghiệp); hỗ trợ Hiệp hội doanh nghiệp, người sử dụng lao động trong việc thực thi pháp luật và thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định. 

Ở cấp địa phương, chủ thể quan hệ lao động là UBND tỉnh, thành phố, Liên đoàn Lao động và Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp, Liên minh Hợp tác xã trong việc thực hiện các qui định của pháp luật lao động, hỗ trợ các bên xây dựng quan hệ trong phạm vi khu công nghiệp, doanh nghiệp.

Ở cấp ngành và doanh nghiệp, chủ thể trong quan hệ lao động gồm: Đại diện người lao động (công đoàn ngành và công đoàn cơ sở); Đại diện người sử dụng lao động của ngành và người sử dụng lao động tại doanh nghiệp. Hai chủ thể này thông qua cơ chế đối thoại, thương lượng và ký kết thoả ước lao động tập thể để thực hiện quyền, nghĩa vụ và lợi ích của các bên, nhằm bảo đảm quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ.

Vai trò của Nhà nước trong quan hệ lao động

Trong quan hệ lao động, Nhà nước có vai trò kép, vừa định ra pháp luật lao động, hướng dẫn thực hiện pháp luật lao động, vừa là một chủ thể trong quan hệ 3 bên, đại diện cho lợi ích quốc gia và toàn thể cộng đồng. Nhà nước tham gia vào quan hệ lao động từ trung ương đến địa phương, thông qua hệ thống hành chính Nhà nước của mình (Chính phủ, các cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương). Thông thường, các nước đặt chức năng quản lý Nhà nước về quan hệ lao động thuộc Bộ Lao động. Trong Bộ Lao động thành lập Vụ hay Cục quan hệ lao động, đồng thời có các Vụ chức năng có liên quan đến các nội dung chủ yếu của quan hệ lao động (như việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động, tiêu chuẩn lao động, Thanh tra lao động, Trọng tài lao động, Toà Lao động, …)

Chính phủ có những vai trò chủ yếu sau: 

1.Hướng dẫn thi hành pháp luật lao động và quan hệ lao động, cụ thể: Ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật lao động và các văn bản pháp luật khác liên quan đến lao động và quan hệ lao động như: Luật Công đoàn; các luật khác có liên quan (Bộ luật Dân sự, Luật Tố tụng Dân sự để giải quyết các vụ án tranh chấp lao động; Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã…); Tổ chức triển khai thực hiện các công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế; Quyết định các chính sách liên quan đến lao động và quan hệ lao động, như chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động, cơ chế phối hợp 3 bên trong quan hệ lao động.

2. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động, luật về quan hệ lao động, các luật khác có liên quan đến các đối tượng thuộc quan hệ lao động nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật.

3. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động và quan hệ lao động.

Riêng quản về quan hệ lao động, có thêm các chức năng sau:

1. Xây dựng các thiết chế bảo đảm cho quan hệ lao động phát triển như: Thiết chế hoà giải, trọng tài, xét xử; thiết chế tham vấn (cung cấp thông tin, tham vấn và thương lượng); thiết chế hỗ trợ.

2. Là một đối tác quan trọng trong cơ chế 3 bên về quan hệ lao động.

- Thông qua đối thoại, đàm phán, thương lượng và thoả thuận giữa các bên để từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật quan hệ lao động; 

- Tham vấn cho hai bên ở cấp ngành và doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quan hệ lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, tiến bộ trong doanh nghiệp;

- Tiếp nhận thông tin phản hồi từ ngành, doanh nghiệp về những bất hợp lý liên quan pháp luật về quan hệ lao động.

3. Quản lý Nhà nước đối với các hoạt động của các đối tác trong quan hệ lao động như: Can thiệp khi xảy ra hành vi cản trở thành lập công đoàn, cản trở hoạt động của cán bộ công đoàn, không trích kinh phí công đoàn..., cấm và dừng các cuộc đình công nếu xét thấy ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Quan hệ lao động ở Việt Nam và những vấn đề đặt ra 

Bộ luật Lao động được ban hành đã đặt nền tảng pháp lý cho việc hình thành và phát triển quan hệ lao động ở Việt Nam. Quan hệ lao động ở Việt Nam đã có những bước tiến nhất định từ việc nhận thức đến tổ chức thực hiện phù hợp với sự hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế thị trường và thị trường lao động. Các chủ thể được hình thành, các thiết chế bảo đảm, hỗ trợ quan hệ lao động được ban hành và bước đầu hoạt động có hiệu quả. Việc ban hành Nghị định số 145/2004/NĐ-CP ngày 14/7/2006 của Chính phủ, trong đó quy định về cơ chế tham vấn các bên và Uỷ ban Quan hệ lao động, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển quan hệ lao động được thành lập, quan hệ của các bên được bảo đảm thông qua đối thoại, thương lượng tăng dần. Tổ chức đại diện cho người lao động, người sử dụng lao động ngày càng có vai to lớn và quan trọng trong việc tham gia cùng Nhà nước hoạch định các chính sách, pháp luật lao động cũng như tổ chức thực hiện trong thực tiễn. Công tác quản lý nhà nước về lao động được chú trọng, nhất là khâu tuyên truyền, kiểm tra, thanh tra việc thực thi chính sách,pháp luật lao động: Hệ thống trọng tài lao động, Toà án Lao động từng bước được củng cố để thực hiện thiết chế xét xử khi tranh chấp lao động xảy ra.

Tuy nhiên, nhìn về tổng thể quan hệ lao động ở nước ta mới ở giai đoạn đầu phát triển, còn nhiều bất cập, trong điều kiện nền kinh tế tiếp tục hội nhập sâu, rộng hơn với khu vực và toàn cầu, số doanh nghiệp tăng, số lao động tham gia thị trường lao động tăng thì cũng là những thách thức không nhỏ trong giai đoạn tới. Các vấn đề về quan hệ lao động đặt ra tại thời điểm này là:

1. Pháp luật về quan hệ lao động chưa hoàn chỉnh và thiếu đồng bộ

Pháp luật lao động có nhiều điểm không còn phù hợp với thực tế phát triển. Tham vấn là hoạt động rất cần thiết trong quan hệ lao động, là bước thứ hai trong đối thoại (thông tin – tham vấn và thương lượng). Theo qui định của pháp luật hiện hành, tham vấn là hoạt động mang tính chất tự nguyện và kết quả của nó không có tính ràng buộc nên các bên dễ tham gia, dễ thực hiện hơn so với thương lượng. Nhưng ở nước ta, nhiều năm qua cho thấy, cơ chế tham vấn chưa trở thành phổ biến trong quan hệ lao động, chủ yếu diễn ra khi áp lực tranh chấp lao động có bùng phát. Thiết chế hỗ trợ cho hai bên trong quan hệ lao động để tăng cường năng lực đối thoại, thương lượng chưa phát huy kết quả, cho nên ở một số nơi, trong một số trường hợp Nhà nước phải đứng ra tổ chức, thu xếp và cùng hai bên đối thoại, thương lượng, giúp cho quá trình này mang lại kết quả thực sự và hiểu biết lẫn nhau. Tuy nhiên, quan hệ lao động ở nước ta đang ở giai đoạn đầu phát triển, nên các bên chưa nhận thức về tầm quan trọng của thiết chế này chưa cao cũng là điều dễ hiểu. Mặt khác, trình tự, thủ tục giải quyết các vụ án về lao động còn nhiều phức tạp; Cơ chế 3 bên chưa được pháp luật qui định cụ thể.

Khuôn khổ pháp lý cho các tổ chức đại diện hình thành và hoạt động còn bất cập như: Căn cứ pháp lý cho tổ chức đại diện người sử dụng lao động chưa đủ; Luật Công đoàn ban hành đã lâu, không còn phù hợp với thực tế.

2. Công tác quản lý Nhà nước về quan hệ lao động còn bất cập

Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động còn nhiều hạn chế; thanh tra, kiểm tra và giám sát thực thi pháp luật quan hệ lao động chưa đáp ứng được yêu cầu; Quản lý Nhà nước về quan hệ lao động chưa tập trung vào một đầu mối; Các thiết chế hỗ trợ hiện tại chưa phát huy được hiệu quả (hoà giải, trọng tài, xét xử); Cơ chế tham vấn chưa đủ mạnh và chưa ngang tầm với sự phát triển (cơ chế 3 bên). Công tác thanh tra, kiểm tra các vấn đề có liên quan đến quan hệ lao động còn nhiều hạn chế.

3. Tổ chức đại diện cho người lao động (công đoàn)

Tổ chức này được thành lập từ trung ương đến cấp tỉnh – ngành, cấp quận - huyện và cấp cơ sở. Tổ chức công đoàn cơ sở ở doanh nghiệp Nhà nước tương đối mạnh cả về số lượng và chất lượng hoạt động (99% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn và hầu hết đều hoạt động có hiệu quả). Tuy nhiên, công tác phát triển công đoàn cơ sở và đoàn viên ở khu vực ngoài Nhà nước còn hạn chế,chỉ có khoảng 40% doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp FDI có tổ chức công đoàn và ở nhiều nơi hiệu quả hoạt động chưa cao, chưa thực hiện đúng vai trò là tổ chức đại diện bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động. Năng lực, trình độ của đội ngũ làm công tác công đoàn ở doanh nghiệp nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu điều kiện và cơ chế hoạt động, bảo vệ cán bộ công đoàn.

4. Tổ chức đại diện của người sử dụng lao động mới được thành lập ở cấp trung ương gồm: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Ở cấp tỉnh đều có Liên minh Hợp tác xã, nhưng vẫn còn nhiều tỉnh, thành phố chưa có Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp cấp tỉnh. Hiệp hội các doanh nghiệp chưa hoàn toàn gắn kết với VCCI, hoạt động mang tính chất xúc tiến thương mại và đầu tư là chủ yếu, chưa thực hiện vai trò đại diện người sử dụng lao động trong đối thoại, thương lượng với đại diện người lao động để tham vấn, ký kết thoả ước lao động tập thể, hoà giải, giải quyết tranh chấp lao động và đình công và chưa có đầu mối để tập trung hoạt động của các hiệp hội trong hỗ trợ phát triển quan hệ lao động. Các hiệp hội hoạt động chưa thường xuyên, thiếu kinh phí, thiếu nhân sự, thiếu chuyên gia tư vấn hiểu biết sâu về quan hệ lao động. Chưa có khuôn khổ pháp lý cho tổ chức đại diện người sử dụng lao động hoạt động có hiệu quả. 

Định hướng pháp luật trong thời gian tới

1. Cần định hình rõ mô hình quan hệ lao động của Việt Nam trong thời gian tới cho phù hợp với điều kiện của nước ta, trên cơ sở đó hình thành hệ thống pháp luật lao động và quan hệ lao động phù hợp.

2. Tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Bộ luật Lao động, đưa những nội dung còn thiếu, những nội dung chưa được đề cập vào Bộ luật này, làm rõ thêm một số vấn đề mà trước đây pháp luật lao động chưa qui định cụ thể như: Vấn đề hợp đồng lao động phái cử, hợp đồng lao động bán thời gian; quản lý tiền lương đối với doanh nghiệp Nhà nước; thời giờ làm thêm; cơ chế đối thoại, thương lượng và ký kết thoả ước lao động tập thể; cơ chế giải quyết tranh chấp lao động; cơ chế tham vấn 3 bên...

3. Có kế hoạch xây dựng các luật chuyên đề về việc làm, hợp đồng lao động, tiêu chuẩn lao động (luật tiền lương tối thiểu, luật thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi, luật an toàn vệ sinh lao động); xây dựng luật về quan hệ lao động.

4. Nghiên cứu xây dựng Luật Tố tụng giải quyết các vụ án về tranh chấp lao động, phù hợp với tính chất của vụ án lao động, bảo đảm tính kịp thời và công minh.

5. Phối hợp với tổ chức công đoàn trong việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Công đoàn; Phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nghiên cứu xây dựng mô hình hoạt động của tổ chức đại diện người sử dụng lao động, nghiên cứu hình thành khuôn khổ pháp luật bảo đảm tổ chức hoạt động của đại diện người sử dụng lao động.

6. Thúc đẩy hoạt động của cơ chế 3 bên ở cấp trung ương thông qua việc tăng cường hoạt động của Uỷ ban Quan hệ lao động cấp quốc gia, tiến tới hình thành cơ chế 3 bên ở một số tỉnh, thành phố có nhiều doanh nghiệp, nhiều khu công nghiệp nhằm tăng cường cơ chế tham vấn, hỗ trợ và đối thoại giữa các bên trong quan hệ lao động.

7. Tăng cường hoạt động của Trung tâm Hỗ trợ Phát triển quan hệ lao động, tiến tới thành lập một số chi nhánh khu vực của trung tâm nhằm đáp ứng kịp thời việc tư vấn, hỗ trợ các bên trong đối thoại, thương lượng và ký kết thoả ước lao động tập thể ở doanh nghiệp. Hạn chế sự can thiệp hành chính trực tiếp của Nhà nước vào quan hệ lao động tại doanh nghiệp.

8. Nghiên cứu, tham khảo có chọn lọc các điều ước, công ước quốc tế, thông lệ quốc tế và kinh nghiệm của các nước trên thế giới và khu vực về quan hệ lao động để hình thành mô hình quan hệ lao động phù hợp với điều kiện nước ta, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế./.

Phạm Minh Huân

Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội