[In trang]
Điều kiện nào để xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp
Thứ tư, 04/03/2015 - 13:27
Hài hòa, ổn định và tiến bộ là ba thành tố không thể thiếu, là mục tiêu mà chúng ta hướng tới trong xây dựng quan hệ lao động hiện nay

Hài hòa, ổn định và tiến bộ là ba thành tố không thể thiếu, là mục tiêu mà chúng ta hướng tới trong xây dựng quan hệ lao động hiện nay.

Hài hòa trong quan hệ lao động là sự cân đối giữa các yếu tố về quyền lợi, nghĩa vụ của các bên, đặc biệt là về lợi ích kinh tế.

Ổn định trong quan hệ lao động là việc làm, thu nhập, thời gian làm việc của người lao động ổn định; không có biến động đáng kể về sản xuất, kinh doanh, hợp đồng đặt hàng, số lượng, cơ cấu công nhân của doanh nghiệp. Đó là duy trì trạng thái cân bằng về lợi ích, về quyền lực và sức mạnh của các chủ thể trong quan hệ lao động nhằm tăng cường sự hợp tác, giảm thiểu xung đột và tạo thế bình ổn trong quan hệ lao động.

Tiến bộ là sự vận động trong quan hệ lao động phát triển theo hướng đi lên, ngày càng tốt hơn trước.


Mục tiêu xây dựng quan hệ lao động

Xây dựng quan hệ lao động nhằm đạt được sự hài hòa ổn định và tiến bộ, đảm bảo lợi ích người lao động, lợi ích nhà đầu tư và lợi ích của quốc gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững; tạo ra sự hợp tác tích cực giữa các chủ thể trong quan hệ lao động nhằm giảm thiểu mọi xung đột có thể xảy ra.

Đối với tổ chức công đoàn, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ cũng góp phần nâng cao vị thế, uyy tín của tổ chức công đoàn thông qua việc hướng dẫn, giúp đỡ người lao động ký kết hợp đồng lao động với người sử dụng lao động, đại diện cho tập thể lao động xây dựng, thương lượng và ký thỏa ước lao động tập thể; tuyên truyền phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật liên quan đến người lao động, đồng thời đại diện tập thể lao động thương lượng với người sử dụng lao động giải quyết những yêu cầu, kiến nghị chính đáng của người lao động, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ, chống lại hành vi vi phạm pháp luật, ngăn ngừa các tranh chấp lao động đáng tiếc xảy ra.

Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ là giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa quản lý, sử dụng lao động và phân phối sản phẩm; người lao động được quan tâm về đời sống vật chất, tinh thần, có việc làm và thu nhập ổn định, có cơ hội học tập; quan hệ lợi ích giữa các bên hòa thuận, tin cậy nhau, thực hiện tốt nghĩa vụ và trách nhiệm của mình. 

Hài hòa, ổn định và tiến bộ

Tại các cuộc hội thảo cấp quốc gia, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các bên liên quan đều cho rằng, trong điều kiện nền kinh tế thị trường ở Việt Nam, có bốn yếu tố cơ bản để xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

Thứ nhất, phải có hệ thống pháp luật đầy đủ, phù hợp và tiến bộ. Thông qua pháp luật lao động, Nhà nước hướng dẫn người lao động và người sử dụng lao động xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa và ổn định, cùng nhau hợp tác vì sự phát triển của doanh nghiệp; quy định quyền và nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động; các tiểu chuẩn lao động, nguyên tắc sử dụng và quản lý lao động, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.

Cùng với quy định của pháp luật, quan hệ lao động còn phụ thuộc vào văn  hóa ứng xử của mỗi chủ thể, nhất là ứng xử của người quản lý, sử dụng lao động, mà nhiều khi được thể hiện thông qua thiện chí cá nhân, hay các quy định cụ thể của doanh nghiệp. Trong doanh nghiệp, việc tồn tại đan xen các phong tục tập quán, văn hóa vùng và văn hóa của các quốc gia là một tất yếu. Tuy nhiên, việc dung hòa một thói quen, một nề nếp lao động trong doanh nghiệp, tạo được sự đồng thuận cao giữa các chủ thể là rất cần thiết, nhưng không đơn giản.

Thứ hai, phải có các thiết chế đảm bảo và hỗ trợ cho quan hệ lao động (bao gồm thiết chế của Nhà nước và các thiết chế hai bên, ba bên). Trong kinh tế thị trường, sự vận hành quan hệ lao động chủ yếu thống qua cơ chế hai bên ở cấp doanh nghiệp, ngành và cơ chế ba bên ở cấp quốc gia.

Trong đó, cơ chế hai bên là sự tương tác giữa hai bên (người lao động hay đại diện người lao động và người sử dụng lao động) là cách thức vận hành của quan hệ hai bên về quan hệ lao động ở cấp doanh nghiệp hoặc cấp ngành, nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của mỗi bên. Cơ chế hai bên vận hành chủ yếu thông qua đối thoại, thương lượng, trên cơ sở mỗi bên thực hiện quyền và  nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật và điều khoản cam kết.

Cơ chế ba bên là sự tương tác giữa Chính phủ, đại diện người lao động và đại diện người sử dụng lao động  về quan hệ lao động ở cấp quốc gia (có thể ở cấp vùng, địa phương) hay cách thức vận hành của quan hệ ba bên nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên. Cơ chế ba bên được vận hành thông qua tham khảo ý kiến, thương lượng  (hoặc cùng ra quyết định), phụ thuộc vào cách thức đã được nhất trí giữa các bên liên quan. Thông thường, các vấn đề về quan hệ lao động sau khi thỏa thuận giữa các bên sẽ được thể chế hóa bởi Nhà nước.

Để thực hiện hiệu quả cơ chế hai bên, ba bên phụ thuộc rất lớn vào thiện chí và năng lực của các bên trong đàm phán, thương lượng và ý thức chấp hành pháp luật cũng như tuân thủ các nội dung đã cam kết.

Thứ ba, phải có tổ chức công đoàn (đại diện cho người lao động) và tổ chức đại diện người sử dụng lao động mạnh, có khả năng thực hiện đầy đủ, đúng chức năng của mình; phải có cơ chế tương tác, phối hợp tốt giữa các đối tác trong quan hệ lao động. Người lao động và người sử dụng lao động là hai chủ thể chính tạo nên quan hệ lao động và quyết định chất lượng quan hệ lao động.

Đối với người sử dụng lao động: Người sử dụng lao động phải xem người lao động là yếu tố cơ bản tạo động lực phát triển của doanh nghiệp. Từ đó, xây dựng các chiến lược phát triển công ty trên nền tảng xây dựng khả năng lao động, đời sống tinh thần, vật chất của người lao động. Nguyên tắc trả lương tương xứng là để có được đội ngũ quản lý và công nhân lành nghề. Chia sẻ lợi nhuận để tăng thu nhập cho người lao động vừa là trách nhiệm, vừa là đạo lý. Điều đó sẽ tạo nên sự gắn kết bền chặt giữa doanh nghiệp và người lao động.

Đối với người lao động: Người lao động luôn mong muốn có việc làm, thu nhập cao và ổn định, đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, được tạo điều kiện đi lại và nhà ở, có chế độ bảo hiểm đầy đủ và luôn được tôn trọng. Cần phải có cơ chế minh bạch, các tiêu chuẩn cụ thể để người lao động biết và tự "giám sát" việc thực hiện các quyền lợi và nghĩa vụ của mình.

Có tổ chức công đoàn mạnh: Công đoàn đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Pháp luật không quy định đầy đủ quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ lao động mà chỉ quy định tiêu chuẩn lao động toois thiểu và hành lang pháp lý để các bên tự xã lập nên các quyền và nghĩa vụ cụ thể của mình thông qua tham vấn, thương lượng và đối thoại là chủ yếu. Do đó, để xây dựng quan hệ lao động lành mạnh, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên, thì công cụ chính phải là Thỏa ước lao động tập thể, với cơ chế thương lượng bắt buộc, để có "đối tác thật, nội dung thật, thương lượng thật và thực hiện thật". Đối tác thực thi ở đây là hai bên trong quan hệ lao động (công đoàn và giới chủ) chứ không phải là Nhà nước. Công đoàn cơ sở phải thể hiện được vai trò của mình trong việc thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể. Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ cho hai bên thương lượng và giám sát việc thực hiện thỏa ước.

Thứ tư, duy trì và thực hiện tốt các nguyên tắc chủ yếu trong xây dựng quan hệ lao động hài hòa,đó là: 

Nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau là nguyên tắc ứng xử trong quan hệ  giữa các chủ thể trên cơ sở biết lắng nghe ý kiến của nhau; sẵn sàng chấp nhận những cái đúng, hợp lý do mỗi bên đề xuất; cam kết thực hiện đúng những điều đã thỏa thuận.

Nguyên tắc hợp tác là nguyên tắc thể hiện sự sẵn sàng phối hợp, tạo điều kiện cho nhau; sự chia sẻ, thiện chí trong quá trình thỏa thuận, cùng nhau giải quyết các vấn đề phát sinh, nhất là các mâu thuẫn, tranh chấp lao động, vì lợi ích chung...

Nguyên tắc thương lượng là nguyên tắc có tính đặc trưng nhất trong quan hệ lao động. theo nguyên tắc này, mọi vấn đề trong quan hệ lao động đều phải thông qua thương lượng giữa các bên trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng và công khai để đạt được sự đồng thuận.

Nguyên tắc tự định đoạt: Trong quan hệ lao động, các chủ thể có quan hệ tương tác với nhau, nhưng là những chủ thể độc lập. Mọi vấn đề về quan hệ lao động sau khi thỏa thuận thành công sẽ do các chủ thể cùng tự quyết định và chịu trách nhiệm, không bên nào áp đặt bên nào, không một ai ngoài các chủ thể đó được can thiệp.

An Nguyễn