[In trang]
Thỏa ước lao động tập thể cấp ngành: Có lợi hơn cho người lao động
Thứ tư, 08/04/2015 - 13:00
Việc ký kết được thỏa ước lao động tập thể cấp ngành có lợi cho các bên: NLĐ, DN và Nhà nước

Hiện nay, số doanh nghiệp trong ngành Công Thương đã ký kết Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) chiếm 97,56%. CĐ TCty Thép VN là đơn vị đầu tiên thuộc Công đoàn Công Thương Việt Nam ký TƯLĐTT cấp ngành.

Công đoàn Tổng Công ty Thép Việt Nam hiện có 40 công đoàn cơ sở với hơn 16.000 lao động với mức sống, tiền lương thu nhập khác nhau; có mức vốn góp của Tổng Công ty khác nhau; có đối tác nước ngoài là người sử dụng lao động. Tổng Công ty đã tái cấu trúc Công ty mẹ xong giai đoạn 1. Các doanh nghiệp thành viên đều có TƯLĐTT với các mức quyền lợi cho người lao động cao hơn Luật Lao động năm 2012.


Có hợi hơn cho người lao động

Thỏa ước lao động tập thể cấp ngành của Tổng công ty Thép Việt Nam được ký ngày 19/01/2015 (gồm 3 Chương, 13 Điều) với những nội dung có lợi hơn cho người lao động, như: Tiền lương, trợ cấp, định mức lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, làm thêm giờ, nghỉ giữa ca và bảo đảm việc làm đối với người lao động…

Theo đó, tại Điều 3, Khoản 3.2 và 3.3 quy định: Mức lương thấp nhất người lao động chưa qua đào tạo, hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng lao động được đảm bảo cao hơn ít nhất 10% mức lương tối thiểu vùng theo từng thời điểm do Nhà nước quy định. Khi chỉ số giá tiêu dùng năm cao hơn 10%, Tổng công ty có trách nhiệm thực hiện và chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên có giải pháp điều chỉnh thích hợp về chế độ tiền lương, tiền thưởng nhằm bù đắp sự sụt giảm thu nhập thực tế cho người lao động.

Tại Điều 4 về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, làm thêm giờ, nghỉ giữa ca quy định: Sau ca làm việc 12 giờ, người lao động được nghỉ tối thiểu 24 giờ trước khi vào ca tiếp theo hoặc được bố trí nghỉ bù trong tháng.

Điều 5, Khoản 5.2 của TƯLĐTT này quy định về bảo đảm việc làm đối với người lao động, cụ thể: Khi phát sinh các vấn đề làm ảnh hưởng đến việc làm, NSDLĐ phải xây dựng phương án sắp xếp lao động và trao đổi, bàn bạc với công đoàn cùng cấp trước khi triển khai thực hiện. Người lao động được ưu tiên giới thiệu hoặc điều chuyển trong hệ thống Tổng công ty, giới thiệu tham gia các hợp đồng cho thuê hoặc xuất khẩu lao động nếu có đủ điều kiện và nguyện vọng.

Điều 7, Khoản 7.1 quy định: Ngoài trách nhiệm đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc theo quy định của pháp luật, người lao động làm việc trong các đơn vị thuộc Công ty mẹ - Tổng công ty được mua bảo hiểm y tế tự nguyện và bảo hiểm Nhân thọ; điều kiện, mức hưởng theo quy định của Tổng công ty...

Bên cạnh đó, TƯLĐTT đã chú ý đến đời sống văn hóa tinh thần của người lao động, các chế độ học tập và phúc lợi khác, như: Hàng năm tổ chức tối thiểu 01 đoàn công nhân lao động tiêu biểu có thành tích xuất sắc đi tham quan, khảo sát, học tập kinh nghiệm tại nước ngoài. Tổng Giám đốc và Công đoàn TCty phối hợp tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao cấp TCty theo kế hoạch được thống nhất…

Tuy nhiên, bên cạnh những "cái được" của TƯLĐTT này, vẫn còn một số hạn chế: Một số quy định về chế độ bảo hiểm và bữa ăn giữa ca còn chung chung, mang tính hình thức; một số điều khoản vẫn mang tính khuyến khích các doanh nghiệp thành viên thực hiện.

Kinh nghiệm là để sẻ chia

Để có được TƯLĐTT ngày càng có lợi hơn cho người lao động, quá trình đàm phán để đi đến ký kết lần này kéo dài nhiều ngày và trải qua nhiều phiên thương lượng. 

Công đoàn Tổng công ty Thép VN đã tổ chức kiểm tra đánh giá thỏa ước lao động ký năm 2012 của Tổng công ty (Công ty Mẹ) và các thỏa ước lao động tập thể của các công ty con, công ty liên kết từ năm 2013-2014.Trên cơ sở đó, Công đoàn Tổng công ty rà soát các nội dung về quyền, lợi ích cho người lao động, nội dung nào còn phù hợp, nội dung nào không còn phù hợp với Luật Lao động 2012 để bổ sung, sửa đổi.

Trong quá trình triển khai thực hiện, Công đoàn Tổng công ty đã tập trung: Thống kê, rà soát, lập danh sách nội dung về quyền, lợi ích cho người lao động; tổ chức bồi dưỡng về chính sách, pháp luật và kỹ năng thương lượng tập thể cho cán bộ công đoàn cơ sở; phân công cán bộ có trách nhiệm, có năng lực, kiến thức pháp luật tham gia tổ thương lượng; chuẩn bị kỹ các nội dung thương lượng; khi tham dự phiên họp thương lượng tập thể cần kiên trì, mềm mỏng phân tích, thuyết phục người sử dụng lao động căn cứ vào lợi ích hai bên và pháp luật; trao đổi thông tin liên quan đến thương lượng tập thể, ký kết và thực hiện TƯLĐTT giữa thành viên hai bên; sớm ban hành biểu mẫu xin ý kiến doanh nghiệp thành viên góp ý về thỏa ước một cách khoa học.

Trong quá trình tổ chức lấy ý kiến, khi có khó khăn, vướng mắc, cần kịp thời giải thích, thậm chí thương lượng thuyết phục doanh nghiệp thành viên hiểu và thống nhất từng nội dung của TƯLĐ; tiếp đó nghiên cứu, xem xét, sửa đổi và bổ sung vào dự thảo cho phù hợp.

Trên cơ sở mục tiêu và kết quả đánh giá TƯLĐ cấp cơ sở,  Ban Chấp hành Công đoàn Tổng công ty đã chủ động xây dựng và đề xuất yêu cầu thương lượng để ký kết TƯLĐTT với người sử dụng lao động sau khi tập hợp ý kiến của người lao động. 

Việc ký kết được thỏa ước lao động tập thể cấp ngành có lợi cho các bên: NLĐ, DN và Nhà nước. Người lao động được bảo đảm quyền lợi tốt hơn, thúc đẩy nâng cao trách nhiệm các bên trong việc thực hiện các quy định của pháp luật; đồng thời hạn chế tình trạng tranh chấp lao động và đình công.

Thùy Dương