[In trang]
Thử đi tìm nguyên nhân vì sao thỏa ước lao động tập thể chưa là bộ luật "con" của doanh nghiệp
Thứ tư, 25/03/2015 - 11:54
Không ít thỏa ước chỉ để “có” mà tác dụng thật sự thì “không”

Một trong 5 Chương trình trọng tâm của nhiệm kỳ 2013-2018 mà Công đoàn Công Thương Việt Nam xây dựng là “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả thỏa ước lao động tập thể trong ngành Công Thương Việt Nam”.

Xác định thỏa ước lao động tập thể (thỏa ước LĐTT) chính là cơ sở pháp lý quan trọng để Công đoàn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp, thời gian qua, các cấp Công đoàn trong Ngành đã có những nỗ lực đáng ghi nhận trong việc thúc đẩy nâng cao chất lượng các bản thỏa ước. Song để có những bản thỏa ước chất lượng, thực sự là “bộ luật con” của doanh nghiệp còn có nhiều vấn đề cần được phân tích, trao đổi để có những giải pháp tích cực hơn nữa.

Ảnh minh họa

Theo thống kê của Viện Công nhân - Công đoàn, tỷ lệ doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn ký thỏa ước LĐTT tăng từ 59,48% năm 2008 lên 72,15% năm 2012 và năm 2013 lại giảm 1,26%. Không có doanh nghiệp nào chưa thành lập được CĐCS mà ký được thỏa ước thông qua công đoàn cấp trên cơ sở. Tại các cơ sở thuộc Công đoàn Công Thương Việt Nam, năm 2013, có 92,23% doanh nghiệp có Thỏa ước LĐTT (trong đó doanh nghiệp Nhà nước đạt 97,56%, doanh nghiệp ngoài Nhà nước đạt 88,70%).

Theo số liệu trên, thấy tỷ lệ các doanh nghiệp có thỏa ước LĐTT khá cao, điều cần bàn ở đây là chất lượng và tác dụng của các bản thỏa ước như thế nào. Không thể phủ nhận tác dụng của nhiều thỏa ước thực sự là công cụ giải quyết mối quan hệ lao động tại doanh nghiệp. Các điều khoản được ký kết là mục tiêu phấn đấu và thực hiện cho cả hai phía người sử dụng lao động, người lao động, song không ít thỏa ước chỉ để “có” mà tác dụng thật sự thì “không”.

Trước hết, “thương lượng” là khâu quan trọng, gay go nhất trong quá trình xây dựng thỏa ước lại trở lên “đơn giản”. Để có thỏa ước vừa lợi cho người lao động vừa phù hợp với điều kiện thực tế doanh nghiệp đòi hỏi Công đoàn cần có thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh chung kinh tế-xã hội đất nước, cần người có trình độ, bản lĩnh đề xuất những nội dung, yêu cầu đúng, trúng có thể đưa vào thỏa ước. Vấn đề này lại là hạn chế của Công đoàn. Thông thường quy trình xây dựng thỏa ước trước hết dự thảo do phòng tổ chức nhân sự soạn thảo (theo ý tưởng chỉ đạo của lãnh đạo), sau đó xin ý kiến của Công đoàn và các bộ phận chức năng. Hầu hết các điều khoản đều chép lại những quy định của luật, những phần tăng thêm ngoài luật vốn đã có từ trước hoặc hoàn toàn phụ thuộc vào người dự thảo, thậm chí cá nhân của chủ doanh nghiệp. khi đưa ra “xin ý kiến” vì phần lớn “đều nhất trí với dự thảo”.

Thứ hai, bản thỏa ước sau khi ký kết hầu như không được mọi người quan tâm, ít có ý kiến, kiến nghị vụ tranh chấp nào do không thực hiện thỏa ước đã ký, hoặc không thực hiện đúng như thỏa ước. Hiện nay phần lớn các bản thỏa ước đều khá dài, với nhiều chương, điều sao chép lại luật nên khó nhớ, khó vận dụng. Bên cạnh thỏa ước còn có nội quy, quy chế doanh nghiệp, nghị quyết hội nghị người lao động… cũng có những nội dung tương tự nên khi vận dụng thường không cần đến thỏa ước LĐTT - văn bản luật quan trọng của doanh nghiệp. Vì vậy tình trạng thỏa ước ký xong “xếp vào ngăn tủ” còn khá phổ biến.

Thứ ba, nhiều bản thỏa ước nội dung thường chung chung không cụ thể do khi soạn thảo thường để “mở” để dễ xử lý. Ví dụ nội dung “việc làm và đảm bảo việc làm” thường không đưa vào hoặc có đưa vào thì cũng rất chung chung không cụ thể, nếu không có việc làm (không do lỗi người lao động) thì trách nhiệm người sử dụng như thế nào, quyền lợi người lao động được hưởng ra sao. Hoặc “người sử dụng lao động tạo điều kiện cho tổ chức công đoàn hoạt động” thì chỉ được ghi là tạo điều kiện về địa điểm, phương tiện, thời gian… theo quy định của luật. Còn địa điểm như thế nào, thời gian ra sao phù hợp với thực tế doanh nghiệp thì lại không rõ. 

Thứ tư, quy trình thương lượng, ký kết, thực hiện không đúng quy định nên chất lượng thỏa ước LĐTT chưa tập hợp được trí tuệ của đông đảo mọi người. Việc tiến hành lấy ý kiến người lao động vẫn còn hình thức. Nếu chỉ chuyển bản dự thảo dầy hàng mấy chục trang xuống cho các tổ, bộ phận thì sẽ có rất ít người đọc, người nghiên cứu để tham gia vì không phải ai cũng có thời gian, cũng có trình độ xem xét từng điều khoản. Thỏa ước ký kết xong việc phổ biến, tuyên truyền để thực hiện hiện nay vẫn chưa được cả người sử dụng và Công đoàn quan tâm. Khi hỏi đến nội dung thỏa ước rất ít người (kể cả cán bộ công đoàn) biết hết mà cũng chỉ biết chung chung.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả thỏa ước LĐTT tại doanh nghiệp, để thực sự là “bộ luật con” của doanh nghiệp cần tìm nguyên nhân, hạn chế nhằm có giải pháp khắc phục. Xin được nêu một số ý kiến hiện có ở công đoàn cơ sở trong Ngành để các đồng chí tham khảo và chúng ta sẽ trao đổi nhiều hơn tại hội thảo với chủ đề này do Công đoàn Công Thương Việt Nam tổ chức vào đầu tháng 4/2015.  

 Nguyễn Xuân Thái