banner2019
 
Thứ năm, ngày 18 tháng 04 năm 2024
Thứ năm, ngày 18 tháng 04 năm 2024
Cảnh giác với việc Trung Quốc mở rộng xâm lấn Biển Đông
Cập nhật lúc 09:10 ngày 04/06/2014

Trung Quốc đang sở hữu giàn khoan nửa chìm Hải Dương 981 và sử dụng nó như một công cụ tranh chấp chủ quyền. Không chỉ có vậy, Trung Quốc đang dần hoàn thiện giàn khoan thứ 2.

Theo nguồn tin từ các chuyên gia, Trung Quốc đang huy động toàn lực để đóng giàn khoan Hải dương 982 tại Nhà máy đóng tàu Đại Liên. Việc đóng các giàn khoan này được liệt là 1 trong “10 chương trình trọng điểm” của Trung Quốc và người đứng đầu Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã tới tận nơi để kiểm tra động viên. Cũng như 981, khu vực hoạt động của 982 được vạch rõ ngay trong thuyết minh thiết kế, đó là Biển Đông với thử thách chịu lực là bão tố cực mạnh.

Giàn khoan dầu trái phép Trung Quốc đặt tại vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam hôm 1/5

Theo các chuyên gia, các giàn khoan Hải dương 981 và 982 là loại giàn nửa chìm thế hệ mới, thế hệ thứ 6 với một số đặc điểm như sau:

- Khả năng chống mệt mỏi (fatigue) - một căn bệnh suy sụp của nhiều giàn khoan, trước tác động của thiên nhiên. Giàn này được thiết kế chịu được những cơn bão khủng khiếp nhất theo thống kê trong 200 năm qua tại Biển Đông.

- Khả năng định vị trên biển. Giàn khoan Hải dương 981 có thể được hạ đặt tại các vùng nước sâu dưới 1.000 mét được định vị bằng hệ định động học cấp 3 là cấp cao nhất của hệ thống này với 8 chân vịt lái (thruster), mỗi chân vịt được kéo bởi động cơ 4.600 CV.

- Khả năng chống tràn dầu. Kinh nghiệm đau đớn của các vụ tràn dầu khiến cho FG tìm mọi biện pháp để ngăn chặn ngay từ giai đoạn đầu tiên. Một hệ thống cảm biến được thiết lập quanh giàn và hành động nhanh chóng để đóng ngay cái BOP (thiết bị chống tràn).

Nếu như giàn khoan Hải dương 981 do Tập đoàn đóng tàu quốc gia Trung Quốc (CSSC) đóng, thì giàn khoan 982 lại do Tập đoàn Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc (CSIC) đóng. Cả CSSC và CSIC đều nằm trong số 10 đơn vị công nghiệp quốc phòng hàng đầu của Trung Quốc. Cả hai đều đóng tàu, tên gọi và logo hơi giống nhau, chủ yếu để phân công theo vùng miền trên đất nước rộng lớn này: CSSC phụ trách mảng phía Nam và phía Đông, còn CSIC phụ trách mảng phía Bắc và Tây Trung Quốc.

CSIC bao gồm 96 đơn vị, 30 vạn công nhân viên, chủ quản những nhà máy lớn tại Đại Liên, Thiên Tân, Thanh Đảo, Vũ Hán, Tây An, Trùng Khánh và Côn Minh; 30 viện nghiên cứu; 10 phòng thí nghiệm nhằm phát triển tàu dân dụng và tàu quân sự. CSIC là một doanh nghiệp quốc doanh cực lớn. Bí thư kiêm Chủ tịch của CSIC là ông Lý Trường Ấn, người  Tây An, sinh năm 1951, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Đại Liên là một xưởng đóng tàu đã có lịch sử trên 100 năm, đã được Liên Xô đầu tư giúp đỡ những năm 1950, hiện đang áp dụng phương pháp công nghệ đóng tổng đoạn học tập từ Hitachi (Nhật Bản) và cũng là nơi đã hoàn thiện chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc- tàu Liêu Ninh vào năm 2009.

Từ thiết kế có thể thấy rằng 982 là dành cho Biển Đông, không hề úp mở. Chỉ với một 981, Trung Quốc đã thách thức chủ quyền của Việt Nam và rất nhiều quốc gia khác, thách thức an ninh khu vực và ổn định hàng hải quốc tế. Thêm một 982, dã tâm của Trung Quốc không còn phải che giấu.

Trong khi đó, theo nhiều chuyên gia, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển Việt Nam, không chỉ có mục tiêu thăm dò dầu khí, mà có thể còn đặt mốc chủ quyền của Trung Quốc dưới đáy biển, để sau này có thêm “bằng chứng”. Các chuyên gia nói, có thể Hải Dương 981 đặt “cái gì đó” xuống đáy biển, giống như các cường quốc đã làm là cắm cờ trên Mặt trăng hay cắm cờ dưới đáy Bắc Băng Dương. Nếu phán đoán này là đúng, thì đây quả là một kế hoạch cực kỳ thâm độc của Trung Quốc trong âm mưu độc chiếm Biển Đông.

(Nguồn Chinhphu.vn)