banner2019
 
Thứ sáu, ngày 29 tháng 03 năm 2024
Thứ sáu, ngày 29 tháng 03 năm 2024
Công đoàn không ngừng đổi mới
Cập nhật lúc 09:51 ngày 18/02/2021
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới và thực hiện tốt sứ mệnh lịch sử của mình, tổ chức Công đoàn phải luôn sáng tạo, đổi mới.
Phóng viên: 2020 là năm có nhiều khó khăn đối với đất nước nói chung, tổ chức Công đoàn (CĐ) nói riêng, do ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai. Trong bối cảnh đó, hoạt động của tổ chức CĐ đã đạt được kết quả như thế nào, thưa ông?
- Ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam: Năm 2020, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, bất lợi bởi dịch Covid-19, lũ lụt tại các tỉnh miền Trung… Thế nhưng, với tinh thần đồng hành cùng Chính phủ, doanh nghiệp (DN) đồng thời cụ thể hóa chủ đề "Nâng cao chất lượng hoạt động CĐ cơ sở", các cấp CĐ đã linh hoạt trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ và đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam
Thứ nhất, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Tổng LĐLĐ đã kịp thời hướng dẫn các cấp CĐ triển khai nhiều hoạt động theo từng giai đoạn cụ thể của cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19; sớm có chủ trương về việc lùi thời điểm đóng kinh phí CĐ đối với các DN bị ảnh hưởng, miễn đóng đoàn phí CĐ đối với đoàn viên có thu nhập thấp hơn mức lương cơ sở; ban hành quyết định chi hỗ trợ trực tiếp cho người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh từ nguồn tài chính CĐ; tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, chăm lo cho 658.989 NLĐ với tổng số tiền hơn 656 tỉ đồng, trong đó nguồn tài chính CĐ là chủ yếu, chiếm hơn 65%.
Trước những thiệt hại do mưa lũ gây ra tại các tỉnh miền Trung, hưởng ứng lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ, các cấp CĐ, nhất là CĐ các địa phương bị lũ lụt, đã có nhiều hành động thiết thực, ý nghĩa, góp phần khắc phục hậu quả lũ lụt, chăm lo, động viên, thăm hỏi đoàn viên, NLĐ và người dân bị nạn. Tổng LĐLĐ đã tổ chức các đoàn công tác trực tiếp đi thăm, hỗ trợ, tặng quà người dân và đoàn viên, NLĐ các tỉnh bị ảnh hưởng bởi mưa lũ với tổng số tiền hơn 6 tỉ đồng từ nguồn tài chính CĐ và ủng hộ của cán bộ, đoàn viên, NLĐ.
Ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, tặng quà cho công nhân tại nhà trọ ở TP HCM
Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam, tặng quà cho các nữ công nhân
Thứ hai, tổ chức CĐ chủ trì xây dựng, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CĐ năm 2012; đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 4-11-2020 sửa đổi, bổ sung Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12-5-2017 phê duyệt đề án "Đầu tư xây dựng các thiết chế của CĐ tại các khu công nghiệp, khu chế xuất", tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn về cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy tiến độ triển khai dự án xây dựng các thiết chế CĐ.
Thứ ba, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc trong CNVC-LĐ lần thứ X - sự kiện quan trọng của tổ chức CĐ, của đoàn viên, NLĐ - được tổ chức trọng thể tại thủ đô Hà Nội với sự tham dự của 464 đại biểu, đại diện các điển hình tiên tiến của phong trào thi đua yêu nước trong công nhân, viên chức, lao động cả nước giai đoạn 2015-2020. Các cấp CĐ đã tổ chức cho đoàn viên, NLĐ tham gia góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII với hơn 632.000 lượt ý kiến, trong đó có nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, trách nhiệm...
Thưa ông, xây dựng đội ngũ cán bộ CĐ, nhất là đội ngũ chủ tịch CĐ cơ sở, đủ năng lực, phẩm chất để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới là nhiệm vụ quan trọng trong năm 2021. vậy những việc cụ thể cần phải làm để hiện thực hóa mục tiêu này là gì?
- Năm 2021, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ đã xác định chủ đề hoạt động CĐ là "Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ CĐ cơ sở". Để cụ thể hóa chủ đề trên, gắn với việc tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/BCH-TLĐ ngày 11-1-2019 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam về "Công tác cán bộ CĐ trong tình hình hình mới"; Chương trình số 1563/CTr-TLĐ ngày 9-10-2019 về "Xây dựng đội ngũ chủ tịch CĐ cơ sở ngoài khu vực nhà nước đủ năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ", trong năm mới, tổ chức CĐ xác định tập trung cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt CĐ cơ sở.
Tiếp tục đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng; lựa chọn nội dung bồi dưỡng, đào tạo, tập huấn thiết thực, phù hợp với nhu cầu về kỹ năng, kiến thức của cán bộ CĐ cơ sở, tập trung cho kỹ năng thương lượng, đối thoại, nhất là về tiền lương ở khu vực DN, việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.
Củng cố và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ CĐ ở các cơ sở đào tạo của tổ chức CĐ. Tăng cường đầu tư nguồn lực tài chính để nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng. Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với các cấp CĐ. Xây dựng và đào tạo đội ngũ giảng viên kiêm chức CĐ cấp tỉnh, ngành, CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở nhằm tăng cường hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ cán bộ CĐ cơ sở.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện việc rà soát, kiện toàn đội ngũ cán bộ chủ chốt CĐ cơ sở, tăng cường các biện pháp bảo vệ và quan tâm thực hiện chính sách đối với đội ngũ cán bộ CĐ, nhất là cán bộ CĐ cơ sở; phát huy vai trò của CĐ cấp trên trực tiếp trong việc hướng dẫn, hỗ trợ đội ngũ cán bộ CĐ cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Việt Nam đã tham gia các hiệp định thế hệ mới, trong đó cho phép thành lập tổ chức của NLĐ tại DN ngoài CĐ Việt Nam, đây là thách thức lớn nhưng cũng là cú hích để CĐ Việt Nam tự đổi mới. Vậy tổ chức CĐ đã chuẩn bị như thế nào để có thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới?
- Hiện nay, Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới khác. Cam kết về lao động trong các hiệp định này yêu cầu những quốc gia thành viên phải có nghĩa vụ thực hiện các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động của NLĐ theo Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Yêu cầu "nội luật hóa theo lộ trình phù hợp những điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trước hết là luật pháp về thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, lao động - CĐ" đã được chúng ta đặt ra trong quá trình sửa đổi pháp luật, trong đó có Bộ Luật Lao động.
Ngày 20-11-2019, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Bộ Luật Lao động số 45/2019/QH14 (Bộ Luật Lao động năm 2019), có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021. Đây là lần đầu tiên pháp luật lao động quy định cụ thể về tổ chức của NLĐ tại DN ngoài hệ thống CĐ Việt Nam. Quy định mới này của Bộ Luật Lao động năm 2019 là một thách thức lớn, đòi hỏi tổ chức CĐ phải đổi mới tổ chức và hoạt động để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, nhằm phát huy và làm tốt vai trò đại diện cho NLĐ, thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình. Trong đó, cần tập trung làm tốt một số nhiệm vụ, giải pháp:
Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, thu hút đông đảo đoàn viên, NLĐ tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động cách mạng, các nhiệm vụ lớn của Đảng và nhà nước. Tập trung thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng về xây dựng giai cấp công nhân, đặc biệt là các nội dung trong Nghị quyết số 20-NQ/TW.
Tăng cường bồi dưỡng, nâng cao nhận thức và bản lĩnh chính trị, giác ngộ giai cấp, tinh thần dân tộc, trình độ, kỹ năng nghề nghiệp và hiểu biết pháp luật cho đoàn viên, NLĐ. Tập trung tuyên truyền, giáo dục, giúp đoàn viên, NLĐ nâng cao nhận thức về sứ mệnh của giai cấp công nhân Việt Nam, về Đảng, về chế độ, về tổ chức CĐ. Giáo dục, phát huy lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, ý thức chính trị, kiến thức pháp luật, giữ vững bản lĩnh, tăng sức đề kháng trước những biểu hiện tiêu cực, mặt trái của xã hội cho đoàn viên, NLĐ. Không ngừng nâng cao trình độ, ý thức, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, kỹ năng nghề nghiệp, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, giúp đoàn viên, NLĐ có việc làm bền vững và cuộc sống tốt đẹp hơn.
Đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng; bảo đảm việc làm, tiền lương, thu nhập, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của công nhân, lao động. Nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật liên quan đến quyền và lợi ích của NLĐ, quyền của tổ chức CĐ, bảo đảm cho NLĐ có việc làm ổn định, thu nhập ngày càng nâng cao, đời sống tốt hơn cả khi làm việc và khi nghỉ chế độ hưởng lương hưu. Phát triển, đa dạng hóa các lợi ích cho đoàn viên CĐ, công nhân, viên chức, NLĐ và các chính sách xã hội khác, tương xứng với những thành quả của công cuộc đổi mới và đóng góp của giai cấp công nhân.
Đổi mới mạnh mẽ việc tổ chức phong trào thi đua yêu nước theo hướng thiết thực, hiệu quả, sát hợp từng đối tượng, lĩnh vực, góp phần khẳng định vai trò của tổ chức CĐ, của NLĐ trong xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tiếp tục đổi mới công tác đánh giá, tổng kết phong trào thi đua; tiến hành biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, quan tâm khen thưởng NLĐ trực tiếp.
Tập trung phát triển đoàn viên, thành lập CĐ cơ sở, nhất là ở DN khu vực ngoài nhà nước; sắp xếp, hoàn thiện mô hình tổ chức; xây dựng đội ngũ cán bộ CĐ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Phát huy vai trò của tổ chức CĐ trong giáo dục, rèn luyện và giới thiệu đoàn viên CĐ ưu tú cho Đảng xem xét, kết nạp. Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động CĐ đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Xây dựng nguồn lực đủ mạnh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của tổ chức CĐ. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động CĐ...
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển của đất. Các dự thảo văn kiện trình đại hội có nhiều điểm mới, điểm nhấn, trong đó có những nội dung quan trọng liên quan đến vấn đề tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò, địa vị của giai cấp công nhân, tổ chức CĐ trong thời kỳ mới. Dự thảo báo cáo chính trị đã đề cập đến vấn đề này như thế nào, thưa ông?
- Vấn đề xây dựng giai cấp công nhân là vấn đề lớn, đã được đề cập xuyên suốt trong văn kiện các kỳ đại hội Đảng. Tiếp nối, bổ sung, phát triển nội dung về xây dựng giai cấp công nhân, Dự thảo Báo cáo chính trị khóa XIII của Đảng tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát huy vai trò, địa vị của giai cấp công nhân, tổ chức CĐ trong thời kỳ mới.
So với Đại hội XII, dự thảo báo cáo chính trị nhấn mạnh việc phát triển giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Bổ sung nội dung: "Đổi mới tổ chức và hoạt động của CĐ phù hợp với cơ cấu lao động, nhu cầu, nguyện vọng của công nhân và yêu cầu hội nhập quốc tế; làm tốt vai trò đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, tập thể NLĐ. Định hướng, quản lý tốt sự ra đời, hoạt động của các tổ chức của NLĐ tại DN ngoài tổ chức CĐ hiện nay".
Sự bổ sung này là một trong những nhận thức mới của Đảng ta trong bối cảnh Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Đây là những định hướng quan trọng và là nhiệm vụ có tính chất chiến lược của tổ chức CĐ Việt Nam trong bối cảnh Bộ Luật Lao động năm 2019 chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2021 cho phép thành lập tổ chức đại diện của NLĐ ở cơ sở.
Dự thảo cũng đã xác định vai trò quan trọng trong việc nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp đối với giai cấp công nhân trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đồng thời xác định rõ nhiệm vụ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, nhà ở và phúc lợi xã hội cho công nhân, NLĐ; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam - giai cấp lãnh đạo cách mạng, lực lượng nòng cốt trong đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển đất nước.
Trong năm 2020 đã kết nạp 777.452 đoàn viên (đạt 130%), ký kết mới được 2.707 thỏa ước (đạt 119%), có 4.184 doanh nghiệp điều chỉnh mức hỗ trợ ăn ca lên cao hơn hoặc bằng 15.000 đồng (đạt 190%)…
Xuân Tân Sửu ấm áp, an vui
Nhằm chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên và NLĐ, nhất là trong dịp Tết nguyên đán, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ đã ban hành Kế hoạch số 75/KH-TLĐ ngày 30-10-2020 tổ chức các hoạt động chăm lo thiết thực. Cụ thể:
CĐ các cấp tham gia kiểm tra, giám sát người sử dụng lao động trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về điều kiện làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; không để người sử dụng lao động lợi dụng buộc NLĐ tăng ca, làm thêm giờ, không được nghỉ Tết hoặc nghỉ Tết ít hơn thời gian luật định.
Chủ động phối hợp với cơ quan chức năng và chủ DN nắm tình hình DN nợ lương, nợ BHXH, BHYT của NLĐ để đề xuất với chính quyền địa phương có giải pháp xử lý; đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ tiền lương, tiền thưởng trong dịp Tết; kịp thời phát hiện và có các giải pháp bảo đảm quyền lợi của NLĐ ở các DN gặp khó khăn.
Tổ chức chương trình "Tết sum vầy" gắn với hoạt động chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng một cách thiết thực, có tính lan tỏa, ưu tiên hướng về cơ sở và cấp trên trực tiếp cơ sở như các khu công nghiệp, khu chế xuất, các DN, ở nơi có đông NLĐ. Các hoạt động an sinh xã hội ưu tiên thực hiện tại chỗ, bảo đảm đúng đối tượng, chu đáo, an toàn, thuận lợi.
Tổng LĐLĐ hiện đang giao các bộ phận tham mưu nghiên cứu ban hành gói hỗ trợ cho đoàn viên, NLĐ trong dịp Tết Tân Sửu, giúp họ có điều kiện đón một mùa Xuân mới ấm áp, an vui.
Văn Duẩn (nguồn: nld.com.vn)