banner2019
 
Thứ sáu, ngày 29 tháng 03 năm 2024
Thứ sáu, ngày 29 tháng 03 năm 2024
Phong trào thi đua yêu nước ngành Công Thương giai đoạn 2020-2025: Xác định 6 mục tiêu trọng tâm
Cập nhật lúc 05:12 ngày 29/09/2020
5 năm qua, kinh tế thế giới và trong nước chịu nhiều tác động của khủng hoảng tài chính, thiên tai, dịch bệnh, song cùng với phong trào thi đua của cả nước, ngành Công Thương đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Giai đoạn 2020 - 2025, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2020 - 2025 và trước mắt là “mục tiêu kép” - đẩy lùi dịch bệnh và không để đứt gãy các hoạt động kinh tế - xã hội, phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch ở mức cao nhất, ngành Công Thương đặt ra mục tiêu: Tỷ trọng công nghiệp trong GDP vào năm 2025 đạt trên 35%; chỉ số sản xuất công nghiệp bình quân giai đoạn 2021 - 2025 tăng khoảng 9,2 - 9,5; tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân trên 7,5%/năm; cung cấp đủ nhu cầu năng lượng trong nước, giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân 1,5%/năm; tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15% vào năm 2025; tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa đạt bình quân từ 5%/năm; tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa bình quân giai đoạn 2021 - 2025 tăng 4,9%/năm; tỷ trọng tổng kim ngạch xuất khẩu tăng lên khoảng 85,3% vào năm 2025 và tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu giảm xuống khoảng 1,15% vào năm 2025; tốc độ tăng bình quân hàng năm giai đoạn 2021 - 2025 của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (chưa loại trừ yếu tố giá) phấn đấu đạt khoảng 9-9,5%/năm, giá trị tăng thêm của lĩnh vực thương mại trong nước đóng góp khoảng 13,5% vào GDP vào năm 2025.
Với những thời cơ, thách thức cả trong và ngoài nước, đòi hỏi có sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, các cấp, các ngành, trong đó có Bộ Công Thương. Phát huy kết quả đạt được, trên cơ sở phân tích những hạn chế và bài học kinh nghiệm rút ra từ phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Công Thương và Công đoàn Công Thương Việt Nam xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ của phong trào thi đua và công tác khen thưởng giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo là:
Một là, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc; chính sách, pháp luật của nhà nước về thi đua, khen thưởng; Chỉ thị 34-CT/TW ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”; nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua; tăng cường sự phối hợp giữa tổ chức Đảng, lãnh đạo cơ quan, doanh nghiệp và các đoàn thể quần chúng trong việc phát động, tổ chức triển khai các phong trào thi đua, làm cho phong trào thi đua phát triển sâu rộng, thiết thực, hiệu quả; đảm bảo cho hoạt động thi đua, khen thưởng thực sự là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác năm 2020 và giai đoạn 2020 - 2025.
Hai là, thường xuyên phát động các phong trào thi đua yêu nước gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; tích cực tham gia có hiệu quả 4 phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động và Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động. Nội dung các phong trào thi đua bám sát nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của ngành, của từng đơn vị cơ sở; tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sự phát triển ngành Công Thương bền vững. Hàng năm, cùng với việc tổ chức phát động phong trào thi đua thường xuyên, cần quan tâm phát động các phong trào thi đua gắn với nhiệm vụ chính trị trọng tâm của ngành, của đơn vị theo đợt (chuyên đề) với nội dung và hình thức phong phú, phù hợp với thực tế.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh các phong trào “Tham mưu giỏi, phục vụ tốt”, Cuộc vận động “Cán bộ, công chức, viên chức ngành Công Thương nói không với tiêu cực”, “Văn minh, kỷ cương, trách nhiệm” gắn với phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức Bộ Công Thương thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019 - 2025; phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo” trong cán bộ, đoàn viên công đoàn và công nhân viên chức lao động; phong trào “Năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn” trong khối các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; Nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Xanh - Sạch - Đẹp; Bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động”… Xây dựng, thẩm định bảo đảm tiến độ, chất lượng 100% các đề án, văn bản được giao, khắc phục tình trạng nợ đọng đề án, văn bản; thực hiện kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo tiến độ, chất lượng theo kế hoạch được phê duyệt; tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, xây dựng hệ thống pháp luật, các cơ chế chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho sự phát triển của ngành Công Thương; tăng cường công tác thực thi đảm bảo cho pháp luật, cơ chế, chính sách thực sự đi vào cuộc sống, góp phần đưa ngành Công Thương phát triển bền vững.
Bốn là, tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác khen thưởng. Khen thưởng trên cơ sở đánh giá đúng thành tích, đúng tiêu chuẩn, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch; chú trọng khen thưởng đột xuất, khen thưởng theo chuyên đề, khuyến khích phát huy những nhân tố mới, các sản phẩm dịch vụ mới cho năng suất, chất lượng và hiệu quả cao; tăng cường công tác tuyên truyền giới thiệu về mô hình mới, cách làm hay, gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc đột xuất; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện những điển hình tiên tiến để khen thưởng và đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng; chú trọng khen thưởng cho người lao động trực tiếp sản xuất, trực tiếp làm công tác chuyên môn nghiệp vụ.
Năm là, đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục truyền thống, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ năng lực, phẩm chất chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động.
Sáu là, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh; xây dựng tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên và các tổ chức chính trị xã hội khác vững mạnh, tiên tiến; thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; củng cố, kiện toàn tổ chức, tăng cường số lượng, đảm bảo cơ cấu phù hợp, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; đổi mới, cải tiến lề lối làm việc, xây dựng, thực hiện quy trình làm việc khoa học, hiệu quả, nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường kỷ cương, kỷ luật xây dựng cơ quan, đơn vị, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đoàn kết và chuyên nghiệp.
Căn cứ nội dung trên, các đơn vị tổ chức xây dựng mục tiêu, triển khai phong trào thi đua sát thực, phù hợp với thực tiễn của đơn vị; động viên toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động phát huy tính năng động, sáng tạo, hăng hái thi đua, lập nhiều thành tích, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch của cơ quan, đơn vị, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của ngành Công Thương giai đoạn 2020 - 2025.
Với quyết tâm tập trung thống nhất sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể; tinh thần “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”, Bộ Công Thương và Công đoàn Công Thương Việt Nam phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2020 - 2025 và kêu gọi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Công Thương hăng hái thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
(Nguồn: congthuong.vn)