banner2019
 
Thứ sáu, ngày 29 tháng 03 năm 2024
Thứ sáu, ngày 29 tháng 03 năm 2024
Tổng Liên đoàn lấy ý kiến vào Dự thảo Nghị định quy định về tuổi nghỉ hưu
Cập nhật lúc 11:18 ngày 17/06/2020
Chiều 16/6, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến chuyên gia và cán bộ công đoàn góp ý kiến vào Dự thảo Nghị định quy định về tuổi nghỉ hưu và điều kiện hưởng lương hưu.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của việc triển khai thực hiện Bộ luật Lao động năm 2019 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2021), đặc biệt đối với người lao động và tổ chức Công đoàn.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại Hội thảo
Để các quy định của Nghị định có tính khả thi, sớm đi vào đời sống và bảo vệ tốt nhất quyền lợi cho người lao động, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đề nghị các chuyên gia và cán bộ công đoàn tập trung thảo luận, trao đổi những bất cập, tồn tại trong thực tiễn công tác, từ đó đề xuất, góp ý chi tiết vào các quy định của Nghị định, góp phần cụ thể hóa Bộ luật Lao động.
Thông tin về sự cần thiết góp ý vào Dự thảo Nghị định, bà Hồ Thị Kim Ngân - Phó Trưởng Ban Quan hệ Lao động Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: Ngày 23/5/2018, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 28/NQ-TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, trong đó có nội dung thực hiện điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình.
Cụ thể: “Từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu; đối với những ngành nghề đặc biệt, người lao động được quyền nghỉ hưu sớm, hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung”.
Thể chế hóa nội dung về tăng tuổi nghỉ hưu nêu trên của Nghị quyết số 28/NQ-TW, Bộ luật Lao động (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2019 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021 đã quy định tăng tuổi nghỉ hưu tại Điều 169.
Chuyên gia độc lập Nguyễn Thị Diệu Hồng góp ý vào Dự thảo
Theo đó, bên cạnh việc quy định điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình đối với người lao động trong điều kiện lao động bình thường (tại khoản 2 Điều 169), Bộ luật Lao động (sửa đổi) cũng quy định tuổi nghỉ hưu thấp hơn đối với những người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn (tại khoản 3 Điều 169) và tuổi nghỉ hưu cao hơn đối với người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt (tại khoản 4 Điều 169).
Quy định về tuổi nghỉ hưu trong Bộ luật Lao động sẽ là cơ sở cho việc quy định điều kiện về tuổi hưởng lương hưu trong pháp luật về bảo hiểm xã hội. Do vậy, bên cạnh việc quy định tuổi nghỉ hưu tại Điều 169, Bộ luật Lao động còn sửa đổi, bổ sung Điều 54 và Điều 55 của Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014 về điều kiện hưởng lương hưu tại khoản 1 Điều 219 của Bộ luật Lao động. Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 169 của Bộ luật Lao động thì Quốc hội đã giao cho Chính phủ quy định chi tiết điều này.
Chính vì vậy, việc nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về tuổi nghỉ hưu và điều kiện hưởng lương hưu là cần thiết và có căn cứ.
Tại Hội thảo, các chuyên gia và cán bộ công đoàn đến từ Tổng Liên đoàn, Hội Khoa học kỹ thuật An toàn vệ sinh lao động, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Than Khoáng sản, Công đoàn Đường sắt Việt Nam, Liên đoàn Lao động tỉnh Hưng Yên… đã nêu những vấn đề thực tiễn của ngành, địa phương, đồng thời góp ý chi tiết vào các quy định trong Dự thảo Nghị định.
Bảo Duy (nguồn: laodongthudo.vn)