banner2019
 
Thứ tư, ngày 17 tháng 04 năm 2024
Thứ tư, ngày 17 tháng 04 năm 2024
Những quy định riêng đối với lao động nữ
Cập nhật lúc 11:41 ngày 03/10/2019
Nhằm bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới, bảo vệ lao động nữ, Luật Lao động 2012 đã có những quy định riêng đối với lao động nữ (từ điều 153 đến điều 160 Bộ Luật lao động 2012) và được Chính phủ quy định chi tiết tại Nghị định 85/2015/NĐ-CP ngày 01/10/2015.
Đối tượng áp dụng (Điều 2 Nghị định 85/2015/NĐ-CP):
- Lao động nữ.
- Người sử dụng lao động có sử dụng lao động nữ.
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Quyền làm việc bình đẳng của lao động nữ (Điều 5 Nghị định 85/2015/NĐ-CP):
- Quyền làm việc bình đẳng của lao động nữ:
+ Người sử dụng lao động có trách nhiệm thực hiện quyền bình đẳng giữa lao động nữ và lao động nam trong tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, tiền lương, khen thưởng, thăng tiến, trả công lao động, các chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, điều kiện lao động, an toàn lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, các chế độ phúc lợi khác về vật chất và tinh thần;
+ Nhà nước bảo đảm bình đẳng về các lĩnh vực quy định nêu trên trong quan hệ lao động, chính sách ưu đãi, xét giảm thuế.
- Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động:
+ Ưu tiên tuyển dụng, sử dụng phụ nữ vào làm việc khi người đó đủ điều kiện, tiêu chuẩn làm công việc phù hợp với cả nam và nữ;
+ Thực hiện các chính sách đối với lao động nữ tốt hơn so với quy định của pháp luật.
Bảo đảm quyền và lợi ích của lao động nữ (khoản 3 điều 153, khoản 2 điều 154 Bộ luật lao động 2012):
- Có biện pháp tạo việc làm, cải thiện điều kiện lao động, nâng cao trình độ nghề nghiệp, chăm sóc sức khoẻ, tăng cường phúc lợi về vật chất và tinh thần của lao động nữ nhằm giúp lao động nữ phát huy có hiệu quả năng lực nghề nghiệp, kết hợp hài hoà cuộc sống lao động và cuộc sống gia đình.
- Tham khảo ý kiến của lao động nữ hoặc đại diện của họ khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ.
Cải thiện điều kiện lao động đối với lao động nữ (Điều 6 Nghị định 85/2015/NĐ-CP):
- Người sử dụng lao động bảo đảm có đủ buồng tắm, buồng vệ sinh phù hợp tại nơi làm việc theo quy định của Bộ Y tế.
- Khuyến khích người sử dụng lao động phối hợp với tổ chức công đoàn lập kế hoạch, thực hiện các giải pháp để lao động nữ có việc làm thường xuyên, áp dụng chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, làm việc không trọn thời gian, giao việc làm tại nhà phù hợp với nguyện vọng chính đáng của lao động nữ.
Chăm sóc sức khỏe đối với lao động nữ (Điều 7 Nghị định 85/2015/NĐ-CP):
- Khi khám sức khỏe định kỳ, lao động nữ được khám chuyên khoa phụ sản theo danh mục khám chuyên khoa phụ sản do Bộ Y tế ban hành.
- Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ như sau:
+ Mỗi ngày 30 phút, tối thiểu là 03 ngày trong một tháng;
+ Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động;
+ Thời gian nghỉ cụ thể do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ.
- Lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ như sau:
+ Mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi;
+ Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.
- Người sử dụng lao động lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc, nhu cầu của lao động nữ và khả năng của người sử dụng lao động.
- Khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để lao động nữ nuôi con từ 12 tháng tuổi trở lên vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc. Thời gian nghỉ do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động.
Quyền đơn phương chấm dứt, tạm hoãn hợp đồng lao động của lao động nữ mang thai (Điều 8 Nghị định 85/2015/NĐ-CP):
- Lao động nữ mang thai nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi thì có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động, kèm theo ý kiến đề nghị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi.
- Thời hạn báo trước để đơn phương chấm dứt, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động theo thời hạn mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định.
- Trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thời gian tạm hoãn do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động, nhưng tối thiểu phải bằng thời gian do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định tạm nghỉ. Trường hợp không có chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về thời gian tạm nghỉ thì hai bên thỏa thuận về thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.
Giúp đỡ, hỗ trợ của người sử dụng lao động trong việc xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo (Điều 9 Nghị định 85/2015/NĐ-CP):
- Căn cứ điều kiện cụ thể, người sử dụng lao động xây dựng phương án, kế hoạch giúp đỡ, hỗ trợ, xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc hỗ trợ một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo đối với lao động nữ có con trong độ tuổi gửi trẻ, mẫu giáo bằng tiền mặt hoặc hiện vật. Mức và thời gian hỗ trợ do người sử dụng lao động thỏa thuận với đại diện lao động nữ.
- Khuyến khích người sử dụng lao động tổ chức, xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo.
Tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo ở nơi có nhiều lao động nữ (Điều 10 Nghị định 85/2015/NĐ-CP):
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo, triển khai việc tổ chức, xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo ở nơi có nhiều lao động nữ như sau:
- Quy hoạch xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo khi quy hoạch, thành lập khu công nghiệp theo quy định của pháp luật. Trường hợp các khu công nghiệp đã hình thành nhưng chưa có quy hoạch nhà trẻ, lớp mẫu giáo, cần quy hoạch bổ sung để xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo;
- Xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo phù hợp với nhu cầu gửi trẻ;
- Thực hiện quản lý hoạt động của nhà trẻ, lớp mẫu giáo theo quy định của pháp luật;
- Có chính sách khuyến khích cá nhân, tổ chức đầu tư xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo.
Chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động (Điều 11 Nghị định 85/2015/NĐ-CP):
- Người sử dụng lao động đầu tư xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo, cơ sở y tế, công trình văn hóa và các công trình phúc lợi khác, nếu đủ điều kiện về quy mô, tiêu chuẩn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ thì được hưởng chính sách khuyến khích xã hội hóa theo quy định hiện hành của Nhà nước về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường.
Trường hợp đầu tư xây dựng nhà ở cho người lao động thì được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định của Luật nhà ở.
- Người sử dụng lao động sử dụng nhiều lao động nữ được Nhà nước hỗ trợ như sau:
+ Được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp;
+ Các khoản chi tăng thêm cho lao động nữ được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Bộ Tài chính.
Chính sách thi đua khen thưởng (khoản 2, điều 3 Nghị định 91/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật thi đua, khen thưởng)
Khi có nhiều cá nhân, tập thể cùng đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì lựa chọn cá nhân nữ hoặc tập thể có tỷ lệ nữ từ 70% trở lên để xét khen thưởng. Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ thời gian giữ chức vụ để xét khen thưởng quá trình cống hiến được giảm 1/3 thời gian so với quy định chung; trường hợp quy định tuổi nghỉ hưu cao hơn thì thời gian giữ chức vụ để xét khen thưởng quá trình cống hiến được thực hiện theo quy định chung.
Những công việc không được sử dụng lao động nữ (Điều 160 Bộ Luật Lao động 2012):
- Công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh đẻ và nuôi con theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành tại thông tư 26/2013/TT-BLĐTBXH quy định danh mục công việc không sử dụng lao động nữ.
- Công việc phải ngâm mình thường xuyên dưới nước.
- Công việc làm thường xuyên dưới hầm mỏ.
Doanh nghiệp sẽ bị xử phạt khi vi phạm quy định về lao động nữ (Điều 18 Nghị định 95/2013/NĐ-CP):
- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
+ Không tham khảo ý kiến của lao động nữ hoặc đại diện của họ khi quyết định những vấn đề có liên quan đến quyền và lợi ích của lao động nữ;
+ Không cho lao động nữ nghỉ 30 phút mỗi ngày trong thời gian hành kinh.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
+ Sử dụng lao động nữ làm thêm giờ, làm việc ban đêm và đi công tác xa thuộc một trong các trường hợp: Mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi;
+ Không thực hiện việc chuyển công việc hoặc giảm giờ làm đối với lao động nữ mang thai từ tháng thứ 07 đang làm công việc nặng nhọc theo quy định tại Khoản 2 Điều 155 của Bộ luật lao động 2012;
+ Không cho lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi nghỉ 60 phút mỗi ngày;
+ Không bảo đảm việc làm cũ khi lao động nữ trở lại làm việc sau khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều 157 của Bộ luật lao động 2012;
+ Xử lý kỷ luật lao động đối với lao động nữ đang trong thời gian mang thai, nghỉ hưởng chế độ khi sinh con theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, nuôi con dưới 12 tháng tuổi;
+ Sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, có thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;
+ Sử dụng lao động nữ làm công việc không được sử dụng lao động nữ theo quy định tại Điều 160 của Bộ luật lao động 2012.
Thanh Huyền (Tổng hợp)