banner2019
 
Thứ sáu, ngày 29 tháng 03 năm 2024
Thứ sáu, ngày 29 tháng 03 năm 2024
Thị trường lao động năm 2019: Hướng tới lao động có hàm lượng trí tuệ cao
Cập nhật lúc 08:01 ngày 05/03/2019
(LĐTĐ) Kết quả một cuộc điều tra nhu cầu sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp năm 2018 do Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội thực hiện cho thấy, kế hoạch tuyển dụng năm 2019 của các doanh nghiệp tiếp tục có sự gia tăng, trong đó cao nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với tỷ lệ trên 48,8%. Điều này khá phù hợp với thực tế hiện nay là một số tập đoàn lớn, đa quốc gia chọn Việt Nam là điểm đến để đầu tư hoạt động sản xuất.
Nếu xét theo nhóm, ngành công nghiệp - xây dựng là nhóm ngành có sức hút lao động lớn nhất với trên 70% trong tổng số lao động dự kiến tuyển dụng thêm của năm 2019; tiếp đến là ngành dịch vụ với trên 28,7%, cuối cùng là ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản. Dự báo top nghề có nhu cầu tuyển dụng tập trung chủ yếu vào nhóm liên quan đến hình học - màu sắc - thiết kế (chiếm 16,78%), nghề cụ thể như: Thợ may chiếm tỷ trọng cao nhất, tiếp theo là nghề thợ thủ công trong ngành dệt may và da giày, thợ vận hành máy móc, kỹ thuật viên sản xuất hàng may mặc…
"Năm 2019, Việt Nam được dự báo tăng trưởng GDP khoảng 6,6%-6,8%... Cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế, việc làm sẽ tiếp tục được tạo ra, dự báo cho thấy số lao động có việc làm trong năm 2019 sẽ tiếp tục tăng, đạt con số khoảng 56 triệu lao động". Ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động- Thương binh và xã hội) nhận định.
Theo các chuyên gia, trong năm 2019, thị trường lao động sẽ chuyển dần sử dụng lao động giản đơn sang sử dụng nhóm lao động có kỹ năng và trình độ cao. Với xu hướng này, một số ngành sẽ có nhu cầu lớn như ngành công nghệ thông tin luôn phát triển với tốc độ cao khiến cho nhu cầu về nhân lực cũng tăng cao.
Người lao động cần không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ tay nghề. Ảnh minh họa. Nguồn Hanoimoi
Trong khi đó, theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, tổng số nhân lực trong ngành công nghiệp công nghệ thông tin hiện nay là hơn 600.000 người, trong đó số lao động đang làm việc trong các ngành công nghiệp phần cứng - điện tử là khoảng 300.000 người; số còn lại thuộc về lĩnh vực công nghiệp phần mềm và công nghiệp nội dung số. Dự báo năm 2020, Việt Nam cần khoảng 1,2 triệu nhân lực công nghệ thông tin.
Còn theo dự báo của VietnamWorks (trang web tuyển dụng trực tuyến lớn thuộc tập đoàn Navigos Group), danh sách top 10 những ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao nhất năm 2019 bao gồm: Tài chính/Đầu tư - Bán hàng - Hành chính/Thư ký - Kế toán - IT/Phần mềm - Marketing - Chăm sóc Khách hàng - Kiểm toán - Internet/Online Media và Xây dựng. Trong đó, Hành chính/Thư ký được dự báo đứng đầu trong top 10 ngành nghề có nguồn cung lao động nhiều nhất trong năm tới.
Ông Gaku Echizenya, Tổng giám đốc Navigos Group cho biết thị trường đang trải qua những biến động lớn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Do đó, doanh nghiệp cần cập nhật thông tin thị trường từ những nguồn uy tín để kịp thời phản ứng trước những thay đổi, từ đó đề ra chiến lược tuyển dụng và thu hút nhân tài. Đối với người lao động, cần chủ động học hỏi kiến thức về kỹ năng số hóa và công nghệ, trang bị những kỹ năng cần thiết như hợp tác với người khác, quản lý con người…để tăng năng lực cạnh tranh.
Ngọc Tú (nguồn: laodongthudo.vn)