banner2019
 
Thứ sáu, ngày 29 tháng 03 năm 2024
Thứ sáu, ngày 29 tháng 03 năm 2024
Người phụ nữ “hai giỏi”
Cập nhật lúc 11:01 ngày 25/10/2018
Đảm trách tốt công tác chuyên môn, hăng hái tham gia các hoạt động đoàn thể, xã hội với thành tích xuất sắc, chị Bùi Thị Thanh Xuân - Phó Quản đốc Phân xưởng Nước của Nhà máy Điện (Tổng công ty Giấy Việt Nam) - là người duy nhất của ngành Công Thương được xem xét đề nghị khen thưởng danh hiệu “Phụ nữ xuất sắc” toàn quốc năm 2012 - 2017.
Chị Bùi Thị Thanh Xuân luôn có nhiều sáng kiến để thay đổi thuận lợi hơn trong công việc
Trái với những tưởng tượng khi đọc bảng thành tích “khủng” của chị Bùi Thị Thanh Xuân, gặp gỡ tôi là một người phụ nữ với vóc dáng khá bé nhỏ, giọng nói nhỏ nhẹ, dịu dàng. Tuy nhiên, ẩn sau đó, tôi nhận ra sự nhanh nhẹn, đầy quyết đoán khi nghe chị nói về công việc mà mình đã gắn bó suốt 15 năm qua.
Tốt nghiệp cử nhân Khoa Môi trường (Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội) năm 2000, năm 2001, chị bắt đầu trở về công tác trên chính mảnh đất quê hương Phú Thọ của mình. Với vị trí ban đầu là công nhân Kiểm nghiệm, thí nghiệm Hóa – Phân xưởng Nước của Nhà máy Điện, sau 5 năm, chị trở thành trực chính của Phòng Thí nghiệm Hóa. Từ năm 2010 đến nay, chị là Phó Quản đốc Phân xưởng.
Nhiệm vụ chính của chị hiện giờ là điều hành sản xuất sao cho mọi chu trình được hoạt động ổn định, liên tục, an toàn, tiết kiệm để cung cấp đủ nước, bảo đảm chất lượng cho toàn dây chuyền sản xuất. Chính từ những áp lực công việc, đòi hỏi người lao động luôn phải tìm tòi hiểu sâu, nắm bắt cặn kẽ từng bộ phận, quá trình vận hành, chị Xuân đã cùng các đồng nghiệp có được nhiều sáng kiến hay, mỗi năm làm lợi hàng trăm triệu đồng cho đơn vị. Đơn cử, sáng kiến “Sử dụng xút lỏng thay thế cho xút rắn nhập ngoại trong quá trình tái sinh nhựa ANION để sản xuất nước cấp cho lò hơi nhà máy điện”. Bằng cách này, đơn vị không cần phải mua xút rắn nhập ngoại, giảm chi phí trong sản xuất, chủ động nguồn vật tư hóa chất, cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân vận hành; đồng thời tiết kiệm cho đơn vị mỗi năm số tiền lên tới gần nửa tỷ đồng. Hay như sáng kiến “Tính toán, điều chỉnh quá trình tái sinh nhựa Cation phù hợp độ cứng của nước VKK vào xử lý nhằm bảo đảm đủ nước cấp cho lò hơi, tiết kiệm hóa chất, giảm ô nhiễm môi trường” cũng đã giúp tiết kiệm cho đơn vị mỗi năm hơn 260 triệu đồng; tạo môi trường làm việc tốt hơn cho người lao động.
Đó chỉ là 2 trong số nhiều sáng kiến chị Bùi Thị Thanh Xuân đưa ra để thay đổi thuận lợi hơn trong công việc. Tâm sự với tôi, chị bảo: “Đây cũng là công sức của cả một tập thể, phòng ban, ban lãnh đạo nhà máy đã hỗ trợ tạo điều kiện giúp đỡ chị áp dụng thành công các sáng kiến”. Không chỉ thế, với kinh nghiệm lâu năm, chuyên môn vững vàng, chính đơn vị và cả Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Giấy và Cơ điện Phú Thọ thường tin tưởng giao cho chị trọng trách đào tạo các lớp thế hệ cán bộ, công nhân vận hành lò hơi sau này. Tự chị Xuân đã biên soạn quy trình vận hành và xử lý sự cố nước cấp đúc kết từ những trải nghiệm công tác thực tế của bản thân. 
Bận rộn với công việc chuyên môn là thế, nhưng nói đến chị Xuân, các cán bộ lao động trong nhà máy không thể không nhắc đến vai trò là một Phó Chủ tịch Công đoàn năng nổ. Chị vẫn thường xuyên cố gắng sắp xếp công việc của mình để tham gia các hoạt động, đặc biệt là hoạt động vì sự phát triển của phụ nữ: Đẩy mạnh các phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, tìm hiểu động viên thăm hỏi các nữ công nhân viên có hoàn cảnh khó khăn…
Chị Bùi Thị Thanh Xuân liên tục được nhận danh hiệu khen thưởng của các cơ quan như: Chiến sĩ thi đua cơ sở trong 3 năm liền ( 2012 - 2014); Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Lao động tỉnh Phú Thọ, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bằng khen của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương…
Nguồn Báo Công Thương