banner2019
 
Thứ năm, ngày 28 tháng 03 năm 2024
Thứ năm, ngày 28 tháng 03 năm 2024
Con đường sáng tạo dưới chân anh
Cập nhật lúc 12:57 ngày 20/08/2018
Nhìn anh ai cũng cảm thấy dường như con đường của sáng tạo nằm ngay dưới chân, không phải mất công tìm kiếm làm gì, vậy mà tại sao không phải ai cũng thấy?
Anh Vũ Xuân Trường với nụ cười hiền 
Trong buổi gặp gỡ của Công đoàn Công Thương Việt Nam tổ chức vinh danh 7 người lao động của ngành Công Thương được nhận giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh năm 2018, anh là người có mặt đúng giờ nhất. Nhưng phải đến khi anh được giới thiệu thì mọi người mới “à” lên. Thì ra người đàn ông giản dị, hiền lành ngồi yên lặng nãy giờ là anh Vũ Xuân Trường, người tổ trưởng của phân xưởng Cán thép của Công ty Cán Thép Lưu Xá – thuộc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên.
Một động cơ giản dị
Anh Trường năm nay 50 tuổi, vẻ bên ngoài hiền lành, ít nói, khi nói thì rất chậm rãi, cảm giác như anh rất rụt rè. Vậy mà anh lại là tác giả của hàng loạt sáng kiến lớn nhỏ, làm lợi cho Công ty gần 1 tỷ đồng trong 5 năm qua và tổng số tiền thưởng mà anh được nhận lên đến 18 triệu đồng. Điều đặc biệt là anh chưa bao giờ nghĩ đây là một việc làm to tát bởi vì cuộc đời người công nhân sản xuất không thể không có những sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Đó giống như những tư duy, suy nghĩ về cuộc sống hàng ngày của một người bình thường vậy.
Cũng vẫn với giọng nói chậm rãi đó, anh Trường kể với tôi về sáng kiến chế tạo thiết bị định kích thước di động sau máy cưa thép hình. Trước đây chỉ có một máy định kích thước để cưa sản phẩm được đồng bộ theo dây chuyền sản xuất thép hình do Trung Quốc thiết kế chế tạo và lắp đặt, do vậy, khi sản xuất thép chống lò chưa đáp ứng được yêu cầu của Công ty. Nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, chăm sóc khác hàng nên đơn đặt hàng của công ty đa dạng hơn về chiều dài kích thước cho các loại sản phẩm thép chống lò. Do đặc thù công nghệ sản xuất thép chống lò từ phôi đúc liên tục 150x150 nên việc sử dụng một máy định kích thước khi ghép phôi, cán 2 loại kích thước sản phẩm rất khó khăn, không đảm bảo an toàn, tốn nhiều công sức của người lao động, độ chính xác của chiều dài sản phẩm thấp chưa thỏa mãn khách hàng. Ngoài ra khi thao tác thủ công thường chậm, năng suất thấp, dễ gây ùn tắc trên tuyến công nghệ làm tăng các chỉ tiêu kinh tế kĩ thuật dẫn đến hiệu quả sản xuất không cao. Mặt khác, máy định kích thước này là một máy chuyên dụng không có sẵn trong nước mà phải nhập khẩu với giá khoảng 11.000 USD… Nhận thấy hạn chế này, từ mô hình máy định kích thước đang sử dụng, anh Trường đã áp dụng kinh nghiệm, chế tạo thiết bị định kích thước di động sau máy cưa thép hình.
Theo tính toán của Công ty, những hiệu quả mang lại khi ứng dụng thiết bị này khá nhiều, đó là đáp ứng kịp thời các yêu cầu cắt chiều dài kích thước chính xác sản phẩm trong sản xuất thép chống lò; giảm giá thành đầu tư thiết bị do tự thiết kế chế tạo, không phải nhập khẩu; tăng năng suất cán bình quân thêm 20% do sử dụng phôi ghép 2 đoạn, thao tác thuận lợi không gây ùn tắc, tính tự động hóa cao; giảm được chỉ tiêu tiêu hao ngắn dài cho các sản phẩm thép chống lò, tiết kiệm được chi phí trong sản xuất... Đặc biệt là giảm thiểu sức lao động, đảm bảo an toàn cho công nhân thao tác. Sau khi trừ mọi chi phí sản xuất, hiệu quả tiết kiệm và giá trị làm lợi sau kỳ áp dụng của sáng kiến đạt được là 175 triệu đồng.
“Nhặt” sáng tạo trên đường đi
Nhưng trong danh sách 7 sáng kiến giúp anh Vũ Xuân Trường nhận giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh tôi đặc biệt ấn tượng với công trình thiết kế, chế tạo hệ thống lật tự động vào lỗ 7- giá I P50. Có thể nói, trong mặt bằng công nghệ khá cũ kỹ và lạc hậu của các nhà máy luyện, cán thép, việc tu sửa, hỏng hóc là chuyện cơm bữa, nên việc phát minh ra một sáng kiến làm lợi đến gần 250 triệu đồng và giảm sức lao động thủ công của người lao quả là một việc làm vô cùng ý nghĩa. Trước đây sản phẩm thép cán sau khi qua lỗ hình số 6 sẽ được 2 người thợ thay nhau lật thủ vào lỗ 7 trước giá I khi cán các sản phẩm thép cây và dây. Anh Trường, với sự quan sát và khả năng của mình đã tính toán thiết kế gia công một hệ thống gồm 2 pittông xi lanh khí, con lăn và thiết bị di chuyển có thể tự động di chuyển và lật thép đưa thép và lỗ hình số 7 mà không cần người công nhân thao tác. Hệ thống này được tích hợp vận hành trên đài lái máy trước giá I do người công nhân lái máy thao tác. Nhờ sáng kiến này, việc không cần 2 công nhân thay nhau thao tác lật thủ công đã không những giảm được sức lao động mà còn nâng cao an toàn cho người công nhân, Công ty hoàn toàn có thể bố trí những nhân lực này vào vị trí khác.
Tự động hóa đôi khi là một môn khoa học không đòi hỏi sự “chính quy” đến mức chuẩn mực mà có khi nó đơn giản được đúc rút từ những trải nghiệm trong công việc hàng ngày. Với 27 năm rèn nghề, từ một người thợ trẻ có trình độ trung cấp cán thép, bằng thực tế tích tụ trong lao động, anh Vũ Xuân Trường đã làm giàu cho mình bằng một gia tài kinh nghiệm và những sáng kiến đậm chất tự động hóa của anh cứ lần lượt ra đời một cách giản dị nhất. Nhìn anh ai cũng cảm thấy dường như con đường của sáng tạo nằm ngay dưới chân, không phải mất công tìm kiếm làm gì, vậy mà tại sao không phải ai cũng thấy?
Tôi đem câu hỏi này đặt cho anh thì nhận được một câu trả lời không thể chậm rãi hơn: “Bản thân tôi là người trực tiếp lao động hàng ngày nên khó khăn vất vả của anh em đồng nghiệp tôi luôn thấu hiểu. Những sáng kiến này chính là cách chia sẻ thiết thực nhất mà tôi có thể gánh vác giúp các anh em, giảm chi phí cho nhà máy, cho công ty. Đời sống người lao động ngành luyện sắt thép hiện nay so với xưa cũng đỡ hơn nhiều do nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ của tổ chức đoàn thể. Thế nhưng những khó khăn đặc thù như nắng nóng, làm việc trong môi trường nhiệt độ cao giữa mùa hè thì vẫn không thể thay đổi. Do đó tôi vẫn thấy cần phải nghĩ tiếp, nỗ lực tiếp và sáng tạo tiếp”.
Thuy miny