banner2019
 
Thứ năm, ngày 25 tháng 04 năm 2024
Thứ năm, ngày 25 tháng 04 năm 2024
Từ 1/1/2018: Nhiều thay đổi trong phương thức đóng bảo hiểm xã hội
Cập nhật lúc 09:11 ngày 26/10/2017
Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, từ 1/1/2018, các doanh nghiệp và người lao động (NLĐ) cần chú ý một số thay đổi trong phương thức đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho NLĐ.
Cụ thể, theo quy định của Luật, NLĐ ngừng việc theo quy định của pháp luật về lao động mà vẫn được hưởng tiền lương thì NLĐ và đơn vị thực hiện đóng BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp (BH TNLĐ-BNN) theo mức tiền lương NLĐ được hưởng trong thời gian ngừng việc.
NLĐ nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày trở lên/tháng thì không phải đóng BHXH, BHYT, BHTN.
Đối với NLĐ không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
Đối với NLĐ nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về BHXH thì không phải đóng BHXH, BHYT, BHTN nhưng vẫn được hưởng quyền lợi BHYT và không tính là thời gian tham gia BHXH, BHTN.
Đối với NLĐ nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ ngày 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì đơn vị và NLĐ không phải đóng BHXH, BHTN. Thời gian này được tính là thời gian đóng BHXH, không được tính là thời gian đóng BHTN và được cơ quan BHXH đóng BHYT cho NLĐ.
Trường hợp Hợp đồng lao động (HĐLĐ) hết thời hạn trong thời gian NLĐ nghỉ việc hưởng chế độ thai sản thì thời gian hưởng chế độ thai sản từ khi nghỉ việc đến khi HĐLĐ hết thời hạn được tính là thời gian đóng BHXH, thời gian nghỉ thai sản sau khi HĐLĐ hết thời hạn không được tính là thời gian đóng BHXH.
Thời gian hưởng chế độ thai sản của NLĐ chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi không được tính là thời gian đóng BHXH. Trường hợp LĐ nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con theo quy định thì thời gian đi làm trước thời hạn phải đóng BHXH, BHYT, BHTN.
Trường hợp người cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng, người mẹ nhờ mang thai hộ, người cha nhờ mang thai hộ hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng hưởng chế độ thai sản mà không nghỉ việc thì NLĐ và đơn vị vẫn phải đóng BHXH, BHYT, BHTN, BH TNLĐ-BNN.
Đối với NLĐ ký HĐLĐ nhưng đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng không phải đóng BHXH, BHYT, BHTN, BH TNLĐ-BNN.
Trường hợp NLĐ bị tạm giam, tạm giữ hoặc tạm đình chỉ công tác để điều tra, xem xét kết luận có vi phạm hay không vi phạm pháp luật thì NLĐ và đơn vị được tạm dừng đóng BHXH, BHTN, BH TNLĐ-BNN nhưng vẫn phải đóng BHYT hằng tháng bằng 4,5% của 50% mức tiền lương tháng mà NLĐ được hưởng theo quy định của pháp luật.
Nếu NLĐ bị oan sai, không vi phạm pháp luật, sẽ đóng bù BHXH, BHTN, BH TNLĐ-BNN trên tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc và truy đóng BHYT trên số tiền lương được truy lĩnh, không tính lãi đối với số tiền truy đóng. Nếu NLĐ vi phạm pháp luật (theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền) thì không thực hiện việc đóng bù BHXH, BHTN, BH TNLĐ-BNN và không phải truy đóng BHYT cho thời gian bị tạm giam.
Đối với NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, Luật quy định NLĐ đi làm việc ở nước ngoài đóng vào quỹ BHXH, BHTN, BH TNLĐ-BNN bao gồm: NLĐ được cử đi học, thực tập, công tác ngoài nước mà vẫn hưởng tiền lương ở trong nước.
NLĐ đi làm việc ở nước ngoài chỉ đóng vào quỹ Hưu trí, tử tuất, bao gồm: Người hưởng chế độ phu nhân hoặc phu quân tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài quy định tại Khoản 4 Điều 123 của Luật BHXH; hợp đồng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, tổ chức sự nghiệp được phép đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài; hợp đồng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề với doanh nghiệp đưa NLĐ đi làm việc theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề và hợp đồng cá nhân.
Luật cũng quy định rõ, đối với đơn vị, doanh nghiệp chuyển địa bàn, chấm dứt hoạt động, giải thể, phá sản phải đóng đủ BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ đến thời điểm di chuyển, chấm dứt hoạt động, giải thể, phá sản để làm căn cứ xác nhận thời gian đóng BHXH, BHTN vào sổ BHXH để giải quyết chế độ cho NLĐ.
Đơn vị, doanh nghiệp được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, vẫn phải đóng vào quỹ ốm đau và thai sản, quỹ tai TNLĐ-BNN, quỹ BHYT, quỹ BHTN. Hết thời hạn được tạm dừng đóng, đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục đóng BHXH, BHYT, BHTN, BH TNLĐ-BNN theo phương thức đã đăng ký và đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Tiền đóng bù không bị tính lãi chậm đóng.
Trong thời gian được tạm dừng đóng, nếu có NLĐ nghỉ việc, di chuyển hoặc giải quyết chế độ BHXH thì đơn vị đóng đủ tiền BHXH, BHYT, BHTN, BH TNLĐ-BNN và tiền lãi chậm đóng (nếu có) đối với NLĐ đó để xác nhận sổ BHXH.
Bảo Duy