banner2019
 
Thứ sáu, ngày 29 tháng 03 năm 2024
Thứ sáu, ngày 29 tháng 03 năm 2024
Biến đổi khí hậu và tác hại của biến đổi khí hậu
Cập nhật lúc 08:57 ngày 19/07/2017
Công đoàn Công Thương Việt Nam đang phối hợp với Công đoàn Mỏ Hóa chất Năng lượng Đức (IG BCE) và Viện Fredrich Ebert (FES) triển khai Chương trình "Vai trò của Công đoàn với việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu" nhằm phổ biến, tuyên truyền đến đoàn viên, người lao động trong Ngành tác hại của ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. 
Những năm gần đây, cụm từ "Biến đổi khí hậu" luôn được đề cập đến trên các phương tiện thông tin, trong các báo cáo ở nhiều hội nghị, hội thảo, luôn thu hút sự quan tâm của mọi người, được đưa ra để tranh luận, bàn bạc và không còn là vấn đề của riêng một quốc gia, mà là vấn đề chung của toàn xã hội. Biến đổi khí hậu (BĐKH) là gì và tác động của nó đến đời sống ra sao ?   
Để hiểu về BĐKH, trước hết cần biết khái niệm về thời tiết và khí hậu. Thời tiết là trạng thái nhất thời của khí quyển tại một địa điểm, như: Nhiệt độ, gió, độ ẩm, nắng, mưa… xảy ra hằng ngày và hay thay đổi. Chúng ta thường nhận được dự báo thời tiết khu vực Hà Nôi, TP.Hồ Chí Minh, Miền Trung... Khí hậu là sự tổng hợp của thời tiết ở một vùng, miền rộng lớn trong nhiều năm thường có tính chất ổn định, ít thay đổi. BĐKH là sự thay đổi của khí hậu diễn ra trong một khoảng thời gian dài, tác động đến môi trường sống, là sự thay đổi khí quyển, thuỷ quyển, sinh quyển, thạch quyển hiện tại và trong tương lai bởi các nguyên nhân tự nhiên và nhân tạo.
Nguyên nhân chính làm biến đổi khí hậu trái đất là do sự gia tăng các hoạt động tạo ra các chất thải khí nhà kính, các hoạt động khai thác quá mức, gây sự nóng lên của khí quyển và trái đất, sự thay đổi thành phần chất lượng khí quyển có hại cho môi trường sống của con người và sinh vật, sự dâng cao mực nước biển do tan băng, sự thay đổi cường độ hoạt động của quá trình hoàn lưu khí quyển, chu trình tuần hoàn nước trong tự nhiên… Nguyên nhân dẫn tới BĐKH rất đa dạng, nó có thể là do sự thay đổi của môi trường thiên nhiên, nhưng nguyên nhân có tác động lớn nhất chính là do con người. Khi gia tăng mật độ dân số kéo theo nhu cầu lương thực, nhà ở tăng cao, xây dựng nhiều nhà máy xí nghiệp, khai thác quá mức các nguyên nhiên liệu hóa thạch, rừng bị khai thác, phá hủy, nhiều loài động vật gần như rơi vào tuyệt chủng… Sự mất cân bằng trong hệ sinh thái nghiêm trọng đã dẫn đến những thay đổi trong khí hậu trên toàn cầu.
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra hiệu ứng nhà kính tự nhiên duy trì sự sống trên trái đất, tuy nhiên, với sự can thiệp quá mức của loài người đã làm tăng nồng độ của các loại khí nhà kính trong bầu khí quyển, gia tăng hiệu ứng nhà kính, làm cho trái đất nóng lên và gây ra hiện tượng biến đổi khí hậu. Vậy hiệu ứng nhà kính là gì ? Chúng ta có thể tưởng tượng đơn giản, Trái đất giống như chiếc ô tô đóng kín cửa kính, đỗ giữa trời nắng gắt, chắc chắn chỉ một thời gian ngắn nhiệt độ trong ô tô cao hơn nhiệt độ bên ngoài nhiều. Tia nắng mặt trời xuyên qua cửa kính ô tô, làm nóng toàn bộ nội thất trong ô tô. Nhiệt lượng bị kính ô tô ngăn lại, chỉ số ít thoát ra ngoài còn phần lớn được giữ lại trong ô tô, làm nhiệt độ ô tô trở nên nóng hơn bên ngoài rất nhiều. 
Hiệu ứng nhà kính thực ra phức tạp hơn nhiều. Khi tia nắng mặt trời xuyên qua khí quyển Trái đất, gần 70% năng lượng được Trái đất hấp thu bởi mặt đất, đại dương, cây cối... 30% còn lại được phản xạ lại không gian. Trong 70% kia, Trái đất không giữ lại mãi mà đại dương và các vùng đất luôn có sự phát tán nhiệt ra ngoài, một lượng quay trở lại không gian. Bao quanh Trái đất là là lớp khí (gồm nhiều loại khí) được ví như một "tấm kính" bao bọc cho trái đất. Trong hơn 100 năm qua, sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp và các hoạt động của con người như đốt nhiên liệu hóa thạch (xăng, dầu, than đá, khí đốt tự nhiên), phá rừng, thay đổi sử dụng đất trồng trọt để phát triển đô thị, sản xuất, làm đường… đã thải một lượng lớn làm tăng khí nhà kính vào trong khí quyển. Các loại khí càng ngày càng tích tụ nhiều, tạo nên "tấm kính" này ngày càng dày, ngăn cản hơi nóng, nhiệt lượng từ lòng trái đất trở lại không gian vũ trụ, do vậy nhiệt độ trái đất ngày càng nóng hơn - hay còn gọi là ấm lên toàn cầu. Theo số liệu nghiên cứu, nhiệt độ trung bình bầu khí quyển gần trái đất đã tăng khoảng 0,6 - 0,8°C trong thế kỷ 20 và dự kiến sẽ có thể tăng 1,1 đến 6,4°C trong suốt thế kỷ 21. Tốc độ ấm lên trong vòng 50 năm gần đây hầu như tăng gấp đôi (0,13°C) ở mỗi thập kỷ. Dự báo cho thấy khi nhiêt độ tăng 3 - 4°C, có khoảng 134 – 332 triệu người phải chịu ngập lụt ở vùng duyên hải, hoạt động bão nhiệt đới gia tăng, sẽ làm tăng khoảng 371 triệu người bị tác động, gây ra những thiệt hại lớn cả về tài sản và môi trường vào cuối thế kỷ 21. 
Như vậy, nếu không kiểm soát được sự gia tăng của nhiệt độ Trái đất, thì nguy cơ do BĐKH rất lớn, sẽ gây tác hại không chỉ ở phạm vi một số quốc gia mà ảnh hưởng đến toàn bộ Trái đất. Có nhiều nước sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề, trong đó có Việt Nam. Từ năm 2003, thông báo quốc gia đầu tiên của Việt Nam đối với Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCC) đưa ra một số dự báo:
- Nhiệt độ trung bình dự tính sẽ tăng 2,5 độ vào năm 2070, các mức nhiệt độ cao và thấp trung bình hàng năm cũng như số ngày có mức nhiệt độ cao hơn 25 độ C sẽ tăng.
- Mùa mưa và lượng mưa cũng thay đổi và sự bốc hơi nước tăng, nên hiện tượng khô hạn sẽ diễn ra thường xuyên hơn.
- Trong 30 năm qua, mực nước biển ở Việt Nam đã tăng 5cm, dự báo, mực nước biển sẽ tăng khoảng 9cm vào năm 2010, 33cm năm 2050,  45cm năm 2070 và 100 cm năm 2100.
- BĐKH dẫn đến nhiệt độ bề mặt nước biển tăng và thay đổi ở những vùng vĩ độ khác nhau dẫn đến những cơn bão có cường độ gió mạnh hơn, kéo dài hơn và khắc nghiệt hơn (đặc biệt trong những năm xảy ra hiện tượng El Nino).
- Nhiều vùng rộng lớn ở đồng bằng sông Cửu Long, sông Hồng và ven biển trung bộ, nơi tập trung dân cư và đô thị sẽ bị ngập nếu không có hệ thống bảo vệ. Do đó nhiều diện tích đất trồng trọt ở các khu vực này bị thu hẹp lại do xâm nhập mặn. Nước dâng trong bão sẽ lớn hơn, đe doạ các công trình, khu dân cư dọc vùng biển và các vũng đất trũng.
Biến đổi khí hậu đã và đang tác động rộng lớn trên toàn thế giới. Từ vài năm trở lại đây nhân loại phải đứng trước những đe dọa của thiên nhiên, thiên tai và dịch bệnh gây nguy hại cho đời sống con người. Theo dự đoán, nhiều thành phố của các quốc gia ven biển đang đứng trước nguy cơ bị nước biển nhấn chìm do mực nước biển dâng – hậu quả trực tiếp của sự tan băng ở Bắc và Nam cực. Mức độ rủi ro cao về lãnh thổ bị thu hẹp do nước biển dâng theo thứ tự là Trung Quốc, Ấn Độ, Bănglađet, Việt Nam, Inđônêxia, Nhật Bản, Ai Cập, Hoa Kỳ, Thái Lan và Philippin. Nước biển dâng kèm theo hiện tượng xâm nhập mặn vào sâu nội địa gây nhiễm mặn nguồn nước, làm giảm sản xuất nông nghiệp và tài nguyên nước ngọt. Đến năm 2080, sẽ có thêm khoảng 1,8 tỷ người phải đối mặt với sự khan hiếm nước, khoảng 600 triệu người sẽ phải đối mặt với nạn suy dinh dưỡng do thiếu lương thực, gia tăng bệnh tật, xuất hiện nhiều loại bệnh mới, khoảng 400 triệu người phải đối mặt với nguy cơ bị bệnh sốt rét. Trong vòng 10 năm tới, chi phí thiệt hại do BĐKH gây ra cho toàn thế giới ước tính khoảng 7.000 tỷ USD. Nếu chúng ta không tích cực chống BĐKH thì thiệt hại mỗi năm sẽ khoảng 5-20% GDP, còn nếu có những hoạt động ứng phó tích cực để giảm khí nhà kính  thì chi phí chỉ còn khoảng 1% GDP.
Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu năm 2015 tại Paris (COP 21 hoặc CMP 11) đã được các quốc gia tham gia thông qua "Thỏa thuận chung Paris" nhằm giảm lượng khí thải nhà kính toàn cầu, hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C vào năm 2100. Để đạt được mục tiêu này cần sự tham gia tích cực của tất cả các quốc gia (đặc biệt là các nước công nghiệp phát triển), của chung cộng đồng xã hội. Việt Nam là nước chịu tác động của thiên tai và đặc biệt bị ảnh hưởng, chịu các rủi ro liên quan đến khí hậu nên cần có những biện pháp góp phần làm thay đổi, giảm thiểu BĐKH. Chúng ta cần nâng cao nhận thức của mọi người về ô nhiễm môi trường và BĐKH đồng thời tuyên truyền các biện pháp để cải thiện, bảo vệ môi trường. BĐKH không phải là vấn đề của riêng ai. Quan tâm và chung tay hành động, chúng ta sẽ giúp cho Trái Đất ngày một xanh tươi, cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.
Nguyễn Xuân Thái