banner2019
 
Thứ bảy, ngày 20 tháng 04 năm 2024
Thứ bảy, ngày 20 tháng 04 năm 2024
Người "gác cổng" chuyên nghiệp của Bia Sài gòn
Cập nhật lúc 08:15 ngày 03/05/2017

Có thể công việc của chị đơn giản hơn bộ phận marketing, phát triển thị trường, định vị thương hiệu sản phẩm hay kỹ thuật, công nghệ; nhưng xét về độ chuyên nghiệp, đòi hỏi sự đẳng cấp là ngang nhau.


Năm 1982, vừa tốt nghiệp phổ thông, chị Nguyễn Thúy Hằng vào làm ở Tổng công ty Bia - Rượu - NGK Sài Gòn, hồi ấy mang cái tên giản dị: Nhà máy Bia Sài Gòn.

Bây giờ ngẫm lại, chị vẫn thấy đôi chút tức cười. Chị sinh ngày mồng 1 tháng 4 - ngày nói dối trên toàn thế giới, lại được giao nhiệm vụ trực điện thoại, một vị vị trí đòi hỏi sự chân thực, hay nói hình ảnh hơn, phải là người tâm phúc của cơ quan.

Trực điện thoại, công việc tưởng chừng đơn giản nhưng cũng chịu nhiều áp lực. Thời chưa có di động, mọi thông tin liên lạc đều nhờ cậy vào điện thoại cố định, số cuộc gọi đến lớn, liên tục phải phân loại rồi chuyển máy đến các phòng, ban.

Là người thường xuyên tiếp xúc với khách hàng, chị không được phép mắc phải bất cứ sơ suất nào, ngay cả khi khách gọi đến bức xúc hoặc mất bình tĩnh. Đây là một thách thức lớn, bởi chỉ thông qua giọng nói, chị phải thể hiện được kỹ năng giao tiếp bằng sự tự tin, thân thiện và đồng cảm với khách hàng.

Có những trường hợp chị phải tập trung tâm trí tối đa và khả năng kiểm soát tình hình, giải thích cho khách hàng những nội quy giao tiếp của cơ quan, giữ cho mình bình tĩnh và khách hàng bình tĩnh.

Có những lúc áp lực, có những khi căng thẳng, nhưng chị cũng dễ dàng vượt qua, một phần vì ngay từ khi bước chân vào nghề, chị đã được những người đi trước động viên, giải thích, là “cửa ngõ” giao tiếp của Bia Sài Gòn, mình phải làm sao thể hiện được hình ảnh một công ty lớn, có trách nhiệm với đối tác, khách hàng.

Phần khác, chị may mắn được thừa hưởng từ người cha của mình. Năm còn nhỏ, chị được vào thăm ba, người chiến sỹ cộng sản bị giam cầm trong Khám Chí Hòa. Đó là trại giam cao ba tầng, có hình bát giác với 8 cạnh đều. Mỗi cạnh của bát quái trận đồ là một khu, lưng xây bịt kín ở phía ngoài, phía trong toàn song sắt.

Trong ký ức của cô bé 8 - 9 tuổi, chị vẫn nhớ cái cảm giác rờn rợn, lạnh toát cả sống lưng khi bước qua nhiều lớp cổng sắt mới vào được đến phòng giam. Trái với hình dung ban đầu, ba chị từ tốn hỏi thăm tình hình lần lượt mấy má con chị. Trong mấy chục phút ngắn ngủi đó, ông không để cho đứa con gái bé nhỏ của mình sốc với hoàn cảnh khủng khiếp của trại giam Chí Hòa khét tiếng.

Chỉ một lần vào thăm đó thôi, qua năm tháng, hình ảnh người cha từ tốn, thản nhiên trước hoàn cảnh cứ dần dần bồi đắp cho chị tính cách sống có kỷ cương, có trách nhiệm với gia đình nhỏ của mình, với gia đình lớn Bia Sài Gòn.

35 năm gắn bó, từ người trực điện thoại, rồi là người đóng dấu, kiêm thêm việc của các nhân viên văn phòng khác khi thiếu người, chị trưởng thành cùng với sự phát triển của Bia Sài Gòn.

Bia Sài Gòn, từ một nhà máy, chuyển mình thành công ty, tổng công ty; từ một đơn vị đơn ngành, nay đã thành doanh nghiệp đa ngành với 23 công ty con, 14 công ty liên kết và 5 công ty liên doanh; từ nhiệm vụ sản xuất bia, nay đang khát khao vươn lên trở thành Tập đoàn công nghiệp đồ uống hàng đầu quốc gia, với sứ mệnh phát triển ngành Đồ uống Việt Nam; đề cao văn hóa ẩm thực của người Việt Nam; nâng cao chất lượng cuộc sống thông qua cung cấp các sản phẩm chất lượng cao, an toàn và bổ dưỡng.

Trong guồng quay đó, chị được Bia Sài Gòn tạo điều kiện vừa học vừa làm, nâng cao trình độ phù hợp với công việc mới đảm nhiệm. Công việc của người đóng dấu là kiểm tra văn bản phát ra của Tổng công ty xem có đúng form, hình thức hay chữ ký có đúng quy định và đúng thể thức không, rồi mới cộp dấu. Có thể công việc này đơn giản hơn bộ phận marketing, phát triển thị trường, định vị thương hiệu sản phẩm hay kỹ thuật, công nghệ; nhưng xét về độ chuyên nghiệp, đòi hỏi sự đẳng cấp là ngang nhau.

Tương tự trong bóng đá, trước những năm 1970, sứ mệnh tiên phong thuộc tiền đạo, những cầu thủ ghi bàn. Rồi sứ mệnh lần lượt chuyển qua hàng hậu vệ, những người bảo toàn tỷ số; hàng trung vệ, nơi phân phối bóng… Nhưng đến thời bóng đá hiện đại, 11 cầu thủ phải là 11 sứ mệnh, 1 sứ mệnh hổng là toàn đội vỡ trận.

Trong môi trường cạnh tranh gay gắt như ngành đồ uống, lại là doanh nghiệp dẫn đầu thị phần (40% sản lượng bán ra) như Bia Sài Gòn, mức độ đóng góp của từng bộ phận có khác nhau, song đẳng cấp chuyên nghiệp không cho phép khác nhau. Một vị trí việc làm không chuyên nghiệp có thể níu kéo lại cả đoàn tàu.

Tính chuyên nghiệp của người “gác cổng” như chị là không để một văn bản nào phát ra của Tổng công ty lệch chuẩn, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp của một doanh nghiệp dẫn đầu về đổi mới công nghệ và chiếm lĩnh thị trường. Danh hiệu lao động xuất sắc, đoàn viên lao động xuất sắc cấp Tổng công ty dành cho chị nhiều năm qua như những chỉ dấu ghi nhận sự tinh cần, chuyên nghiệp. Sự chuyên nghiệp ấy không phải ở độ phức tạp, mà thể hiện ở sự tận tụy, chăm chút trong từng văn bản, qua từng ngày, từng tháng, từng năm. Có lẽ, những nghệ sỹ xiếc đi trên dây sẽ cảm nhận rất rõ giá trị của việc giữ thăng bằng, không để xảy ra sơ xuất trong khoảng thời gian đằng đẵng hàng chục năm!

35 năm trôi qua, biết bao nhiêu thế hệ trước chị đã lần lượt nghỉ hưu; thêm vào đó, biết bao nhiêu thế hệ trẻ lần lượt gia nhập gia đình Bia Sài Gòn; chị vẫn nhớ từng người, những bác Kỷ, chú Tại, chú Thủy, chú Hoài, chú Tuyển, chú Quỳ… Những người luôn ở bên chị những lúc chập chững vào nghề, vừa nghiêm khắc, vừa bao dung, giúp chị chủ động tự tin hơn trong công việc; truyền cho chị cảm hứng, tinh thần tận tụy, chuyên nghiệp của gia đình Bia Sài Gòn.

Năm 2019, chị Hằng sẽ về hưu. Kế hoạch của chị là sẽ đi du lịch, sau đó là mở cửa hàng kinh doanh ăn uống. Chị tự tin với khả năng nấu nướng và trang trí món ăn của mình; và nhất là, tính chuyên nghiệp của Bia Sài Gòn đã thấm đẫm với tất cả những ai đã từng làm việc, gắn bó.

Nguyên Vỵ (TCCT)