banner2019
 
Thứ năm, ngày 28 tháng 03 năm 2024
Thứ năm, ngày 28 tháng 03 năm 2024
Bệnh nốt dầu -Nguy cơ phổ biến đối với người lao động
Cập nhật lúc 01:40 ngày 07/04/2016

Do đặc điểm nghề nghiệp, người lao động (NLĐ) làm việc trong các lĩnh vực cơ khí, sửa chữa máy, thiết bị và động cơ... phải thường xuyên tiếp xúc với các loại dầu mỡ kéo dài nên tại các vùng da tiếp xúc xuất hiện những nốt sẩn hôi dầu mỡ gọi là các nốt dầu. Việc nghiên cứu bệnh nốt dầu đã được quan tâm nghiên cứu dưới góc độ bệnh nghề nghiệp ở Việt Nam. 

Theo số liệu của Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường, Viện Da liễu và trung tâm y tế một số ngành Công nghiệp, tỷ lệ mắc bệnh nốt dầu ở công nhân sửa chữa đầu máy xe lửa tiếp xúc với dầu Diezel bẩn chiếm 34,8%, ở công nhân sửa chữa cơ khí tiếp xúc với dầu mazút chiếm tỷ lệ 28,12%, ở công nhân bơm rót xăng dầu chiếm 1%. 

Nguyên nhân gây bệnh nốt dầu là do có sự tham gia của các loại dầu không tan công nghiệp. Tất cả các sản phẩm dầu mỡ như dầu mazút, dầu hoả, dầu nhờn, dầu mỡ bôi trơn động cơ, các loại mỡ parafin dầu thơm, benzen... - những chất quang động mạnh, là tác nhân gây bệnh nốt dầu, bệnh sạm da và gây kích ứng da mạnh.

Do thành phần dầu mỡ có mang theo các chất nhạy cảm với da như mercaptan và các hợp chất chứa chì, Cadmi, Bari, Liti... xâm nhập vào da có thể làm thay đổi lớp mỡ bình thường của da, gây rối loạn quá trình sừng hóa dẫn đến hiện tượng dày sừng và bít tắc các nang gây viêm tắc các tuyến bã. 

Thêm vào đó, các hạt bụi kim loại của máy móc, thiết bị có thể gây nên vi chấn thương ống dẫn của các nang tăng lên và có thể dẫn đến tắc các ống dẫn. Việc lau rửa vệ sinh hàng ngày không thể tẩy sạch được hết dẫn đến một lượng dầu mỡ luôn tồn đọng trên da nhất là các lỗ chân lông cùng với bụi bẩn và chất tiết và các tế bào da chết tạo thành các hạt nhân màu đen. Đây là hợp chất khó phân huỷ, bám chặt vào lỗ chân lông, khô cứng lại và hình thành các nốt dầu trên da. Nguy cơ mắc bệnh càng cao khi NLĐ tiếp xúc với các loại dầu bẩn, dầu dùng lại. 

Biểu hiện về mặt lâm sàng, bệnh nốt dầu thường xuất hiện dưới 3 thể: Bệnh nốt dầu đơn thuần, bệnh nốt dầu kèm viêm nang lông, dị ứng và bệnh nốt dầu kèm viêm nang lông, dị ứng và sạm da. Ở thể bệnh nốt dầu đơn thuần, các nốt dầu thường gặp lẻ tẻ một ít nốt ở mu ngón tay, rìa ngoài mu bàn tay, đây là giai đoạn nhẹ và ít gặp. Bệnh nốt dầu thường gặp phổ biến nhất ở hai thể tiếp theo, triệu chứng bệnh lúc này ngoài các nốt dầu xuất hiện dày đặc trên da còn kèm theo viêm nang lông và dị ứng gây ngứa rát trên diện rộng và da viêm đỏ, thô dày. Chức năng sinh lý của da lúc này bị thay đổi, cụ thể khả năng trung hoà kiềm, kháng kiềm của da giảm rõ rệt. 

Hiện nay, bệnh nốt dầu là một trong 4 BNN đã được Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường đề nghị Bộ Y tế và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, bổ sung vào danh mục BNN. Tuy nhiên, để hạn chế mức thấp nhất tác hại do các hoá chất, dầu mỡ bẩn gây nên bệnh nốt dầu, NLĐ và NSDLĐ trong một số nghề có nhiều nguy cơ mắc bệnh cao cần thực hiện các giải pháp dự phòng tốt, có hiệu quả như: Tránh, hạn chế tiếp xúc với các yếu tố dẫn đến nguy cơ mắc bệnh (dầu, mỡ...); Lắp đặt hệ thống hút hơi khí khuyếch tán; Cung cấp đầy đủ và sử dụng trang bị bảo hộ lao động, đặc biệt cần thường xuyên đeo găng tay, mặc quần áo bảo hộ lao động; Thực hiện đều đặn việc tắm, giặt bằng xà phòng rửa dầu mỡ ngay sau ca làm việc . Tuyệt đối không rửa tay, chân dính dầu mỡ bẩn bằng xăng làm nguy cơ mắc bệnh cao và nặng hơn; Thực hiện khám sức khoẻ định kỳ để sớm phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.