banner2019
 
Thứ năm, ngày 25 tháng 04 năm 2024
Thứ năm, ngày 25 tháng 04 năm 2024
Cách bảo quản đồ khô trong bếp
Cập nhật lúc 10:52 ngày 08/01/2016

Để tiện chế biến và không phải đi mua sắm thường xuyên, chị em phụ nữ hay có thói quen tích trữ các gia vị khô để dùng dần. Hãy tham khảo các cách bảo quản đồ khô trong bếp sau đây nhé.

Nấm hương


– Trước tiên khi bảo quản nấm hương thì lúc mua chị em cũng cần mua loại nấm hương ngon, tốt. Chọn những cây nấm “cúc áo” – là nấm hương vừa nhỏ, chân nhỏ, mình dày. Nấm có màu hơi nâu, dày to đều nhau, có mùi thơm đặc trưng của nấm hương và sờ khô tay. Không chọn những cây nấm ẩm ướt, hay mốc, có mùi lạ.

– Để nấm hương khô có mùi thơm lâu, lại không bị ẩm mốc, mọt, chị em hãy cho nấm hương vào hộp nhựa hoặc túi nilon, cất ở những nơi khô ráo, tránh những nơi quá nóng hoặc ẩm thấp nhé!

– Nhiều chị em còn mách cách bảo quản nấm hương khác là cho nấm hương vào túi nilon, túi bóng kính hoặc túi ziplog càng tốt, bộc chặt rồi cho vào giá chỗ cánh cửa tủ lạnh (ngăn mát), sẽ tránh được mốc mà giữ mùi thơm rất lâu.

Hạt tiêu

– Để hạt tiêu có hương vị thơm ngon, hãy dùng tiêu hạt và ăn đến đâu thì xay đến đó. Trong hạt tiêu có một lượng dầu rất nhỏ để lưu giữ hương thơm. Hạt tiêu xay sẵn để lâu ngày sẽ mất mùi.

– Hạt tiêu nếu để trong túi nilon cần buộc kín, hoặc hộp nhựa, lọ thủy tinh không sẽ nhanh bay mùi.

Hành ta, tỏi khô


– Với tỏi tươi, không nên bảo quản tỏi trong túi nhựa. Có thể bọc tỏi vào lá cải, sau đó để chỗ râm mát, tỏi sẽ giữ tươi được vài ngày.

– Cách bảo quản tốt nhất là để hành, tỏi ở trong túi lưới, túi giấy hoặc rổ để có sự thông hơi nhất định, nếu cất trong túi kín hoặc hộp nhựa thì hành, tỏi dễ bị thối mốc.

– Khu vực bảo quản hành, tỏi phải khô ráo, thoáng mát. Tránh bảo quản những nơi ẩm ướt sẽ khiến hành, tỏi bị mọc mầm. Không để hành ở những nơi nhiệt độ quá thấp hoặc quá cao. Nhiệt độ ở mức trung bình là tốt nhất.

– Chú ý, cần kiểm tra túi, rổ đựng hành, tỏi thường xuyên, để loại bỏ những củ có dấu hiệu bị thối, mềm hoặc thay đổi màu sắc để tránh nấm mốc lây sang những củ khác trong túi.

Hành tây

– Cất trữ và bảo quản hành tây ở nơi khô thoáng, tránh ánh sáng trực tiếp. Những nơi ẩm dễ làm cho hành bị mốc nhanh chóng. Cũng có thể bảo quản hành ở ngăn mát tủ lạnh trong thời gian dài, bằng cách bọc từng củ lại với giấy thiếc (loại giấy hay dùng để lót khay nướng thịt, cá). Giấy này sẽ giúp hành được khô ráo và tránh ánh sáng.

– Lưu ý, không cất hành tây chung với khoai tây – kể cả trong tủ lạnh. Hơi ẩm thoát ra từ khoai tây sẽ khiến hành tây bị hỏng, mốc rất nhanh.

Gừng

– Bảo quản ở nhiệt độ thường: Gừng hoàn toàn có thể bảo quản ở nhiệt độ bình thường, nhất là mùa đông, gừng giữ tươi được khá lâu.

– Bảo quản gừng trong tủ lạnh: Bạn phải nghiền củ gừng tươi với một ít muối, nước chanh và chút xíu đường. Sau đó, cho hỗn hợp gừng đã nghiền nhuyễn này vào trong một chiếc lọ sạch, có nắp kín, không để không khí lọt vào. Sau khi hàn kín nắp lọ, bạn cho lọ gừng vào tủ lạnh. Gừng được nghiền nát sẽ vẫn tươi trong vòng từ 6 tháng đến một năm.

– Bảo quản trong giấy bạc: Bạn cũng có thể dùng giấy bạc quấn chặt củ gừng và để ở nơi thoáng mát.

– Vùi gừng trong cát: Đây là theo cách của dân gian, rất đơn giản, là vùi gừng xuống lớp cát ẩm. Cách này vừa giữ được gừng lâu tránh bị khô.

Thanh Xuân