banner2019
 
Thứ bảy, ngày 20 tháng 04 năm 2024
Thứ bảy, ngày 20 tháng 04 năm 2024
Người hơn 40 năm gắn bó với nghề luyện cốc
Cập nhật lúc 11:11 ngày 01/12/2015

Ai đã từng đặt chân đến khu công nghiệp Gang thép, Thái Nguyên hẳn rất ấn tượng trước một dây chuyền luyện kim khép kín đồ sộ, ở nơi đó có những con người đang ngày đêm miệt mài bên những dòng gang, buồng cốc... và như duyên nợ họ gắn bó cả cuộc đời mình với nghề.

Tôi trở lại thăm Nhà máy Cốc Hoá vào ngày đầu mùa thu, đã sang tháng 9 nhưng trời vẫn còn nắng gay gắt, bên những buồng cốc đang đỏ lửa những người thợ luyện cốc vẫn miệt mài làm việc. Qua anh Trần Đức Thành, Giám đốc Nhà máy, tôi được đã gặp Quản đốc phân xưởng Cốc, Lê Viết Ba, người 40 năm gắn bó với nghề luyện cốc, một nghề có nhiều độc hại nhât trong ngành luyện kim.


 

Sinh ra và lớn lên ở miền quê có tiếng là “đất học” Thọ Xuân, Thanh Hoá, nhưng là con thứ 3 trong gia đình có 8 anh em, nên Lê Viết Ba chỉ được học hết cấp 2, rồi phải đi học công nhân ở Trường Công nhân kỹ thuật của Công ty Gang thép Thái Nguyên. Nhưng cũng chính từ nơi đây đã tạo bước ngoặt, thay đổi cuộc đời đã anh. Và anh đã gắn bó sắt son với khu công nghiệp Gang thép, với Nhà máy Cốc Hoá trong suốt hơn 40 năm qua.

Sau khi về đầu quân cho xưởng luyện cốc (15/8/1969)nay là Nhà máy Cốc Hoá, là một người công nhân bình thường, nhưng trong anh có một suy nghĩ mình phải tiếp tục đi học và anh quyết định xin đi học bổ túc cấp 3. Khó có thể nói hết được những vất vả nhọc nhằn của ngày tháng ngày đi làm, tối cầm đèn dầu đi học ở dưới địa đạo. Trong chúng ta, ai đã trải qua thời kinh tế tập trung thì mới hiểu hết được cái vất vả cực nhọc của người công nhân lúc đó, một bữa ăn ca chỉ có 3 vé mỳ luộc cho 10 người, nhưng nào có ai bỏ nghề, bỏ vị trí sản xuất? Khó khăn là thế, cực nhọc là thế, Anh vẫn quyết tâm  học tiêp đại học, với ý chí quyết tâm và được sự ủng hộ của lãnh đạo Nhà máy, năm 1978 anh thi vào khoa Hoá nhiên liệu, Trường Đại học Bách Khoa, những ngày tháng vừa đi học, vừa đi làm trong một hoàn cảnh khắc nghiệt của những năm 80 đã tôi luyện thêm ý chí phấn đấu của anh. Bằng chứng, 3 năm liên (1983-1985) Anh đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở... Đến năm 1988, anh được đề bạt làm phó Quản đốc phân xưởng Cốc. Những năm đầu gắn bó với công việc của người thợ luyện cốc đối với anh còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với lòng say mê nghề nghiệp, ý chí quyết tâm vươn lên đã thôi thúc anh cố gắng tự học hỏi, tìm tòi khắc phục khó khăn trau dồi kiến thức để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.

Nghề luyện cốc có nhiều độc hại đối với ngươì lao động, nhưng vẫn như bao người khác, anh vẫn gắn bó suốt với nghề suốt 40 năm qua, không những thế anh là người có thâm niên đứng trên đỉnh buồng cốc liên tục 15 năm liền. Khi được tôi hỏi, sức mạnh nào cho anh đứng trên đỉnh lò cốc suốt 15 năm, vẫn bình dị như con người mình, anh cười rồi nói, tôi yêu nghề, yêu công việc này dù biết nghề này vất vả hơn các nghề khác.

Nói về các danh hiệu được trao tặng, anh nói không nhớ hết được. Tuy nhiên, trong bản thành tích mà Nhà máy cung cấp thì anh liên tục là chiến sĩ thi đua từ năm 1983 đến nay, hầu như năm nào cũng có những sáng kiến cải tiến làm lợi hàng trăm triệu đồng cho nhà máy. Năm 2008, được Tổng LĐLĐVN tặng Bằng Lao động Sáng tạo.. nhiều Bằng khen của tỉnh, Bộ, ngành liên tiếp trong những năm gần đây, danh hiệu Lao động tiên tiến, Lao động giỏi... Với kinh nghiệm của mình, anh còn soạn chương trình đào tạo một số nghề của công nghệ luyện cốc, nghề đặc thù không có trong các trường đào tạo cho rất nhiều anh em trong phân xưởng, trong đó có cả những kỹ sư mới ra trường. Nói về anh, anh em trong Nhà máy hầu hết đều cảm phục sự tìm tòi, sáng tạo của anh trong công việc. Khi được hỏi về đề tài, sáng kiến đáng nhớ nhất, anh đã kể cho tôi nghe về đề tài nghiên cứu công trình “Xử lý dò hở của đỉnh buồng tích nhiệt ở hệ buồng lò cốc”, nếu như không xử lý gây hỏng lò dẫn đến cháy lò. Anh cùng với đồng nghiệp đã xử lý thành công, tiết kiệm cho Nhà máy hàng trăm triệu đồng. Anh tâm sự, nghề luyện cốc thực sự đến bây giờ mới có giá trị một chút, bởi vậy, cuộc sống của anh em cũng đỡ vất vả hơn. Thế nhưng những người thợ luyện cốc, như anh Ba, họ vẫn ngày đêm mịêt mài bên những buồng cốc,  một lòng tâm huyết với nghề mà thôi!

Chia tay Nhà máy Cốc Hoá, phía sau tôi buồng cốc vẫn rực lửa, người thợ luyện cốc vẫn miệt mài với từng mẻ cốc ra lò!

Lê Hằng