banner2019
 
Thứ sáu, ngày 19 tháng 04 năm 2024
Thứ sáu, ngày 19 tháng 04 năm 2024
Người kỹ sư say nghề, mê sáng tạo
Cập nhật lúc 10:25 ngày 22/01/2016

Đam mê máy móc đã làm nên “mối nhân duyên” cho chàng kỹ sư trẻ tuổi An Như Thắng đến với hàng chục sáng kiến, sáng tạo, mang lại nhiều giá trị kinh tế cho doanh nghiệp.

Anh An Như Thắng, chủ nhân 13 sáng kiến, làm lợi cho doanh nghiệp 1,5 tỷ đồng

Gặp anh An Như Thắng tại Hội nghị Tuyên dương lao động giỏi, lao động sáng tạo của Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp, chúng tôi thực sự ấn tượng bởi những gì anh đã làm được.

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Khoái Châu, Hưng Yên rồi theo học đại học tại Nha Trang, nhưng anh Thắng lại chọn Thái Nguyên là nơi gắn bó lâu dài. Năm 2010, anh vào làm tại Công ty Cổ phần cơ khí Phổ Yên và là kỹ sư cơ khí chế tạo máy thuộc Trung tâm Công nghệ thiết kế 2.

Công ty anh chuyên về thiết kế, chế tạo, kinh doanh và xuất nhập khẩu vật tư, phụ tùng, thiết bị, vòng bi, dụng cụ, sản xuất phụ tùng ôtô, xe gắn máy, máy nông nghiệp và các sản phẩm cơ khí khác. Bởi vậy, là kỹ sư cơ khí và đứng trong đội ngũ nhân viên kỹ thuật, anh luôn cố gắng phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Cụ thể như: Thiết kế, lập quy trình công nghệ chế tạo, chế thử sản phẩm mới để giao mẫu chào hàng cho các khách hàng trong và ngoài nước; theo dõi, tính giá thành công đoạn gia công các sản phẩm; tham mưu cho lãnh đạo đơn vị cải tiến quy trình công nghệ đối với các sản phẩm hiện đang chế tạo tại công ty.

Bên cạnh đó, cá nhân anh cùng đơn vị triển khai tốt phong trào thi đua phát huy sáng kiến, hợp lý hóa sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và triệt để tiết kiệm chi phí trong sản xuất, kinh doanh. Phong trào này đã tạo nên “làn gió” đổi mới cho các cán bộ công nhân viên (CBCNV) trong công ty. Với vai trò Phó chủ tịch Công đoàn Trung tâm, anh Thắng luôn gương mẫu đi đầu và gần như năm nào anh cũng có sáng kiến đổi mới. Riêng năm 2015, anh có 13 sáng cải tiến, hợp lý hóa trong quy trình sản xuất tại các công đoạn trên dây chuyền sản phẩm với tổng giá trị làm lợi cho doanh nghiệp lên tới 1,5 tỷ đồng. Đặc biệt, sáng tạo của anh đã góp phần nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, mang lại lợi thế trong cạnh tranh.

Nổi bật là sáng kiến giảm lượng dư gia công sản phẩm bộ bi phối YAMAHA. Trong quá trình làm việc thực tế, nhận thấy lượng dư gia công của chi tiết này nhiều quá nên anh đã bàn bạc cùng các đồng nghiệp làm sao để giảm lượng dư cắt gọt bằng cách giảm vật tư chính. Sau đó, anh tiếp tục mày mò nghiên cứu và thay đổi lại thiết kế khuôn dập tạo phôi. Nhờ vậy, lượng dư đã giảm được 0,009kg/sản phẩm, giúp tăng năng suất lao động 15% tại công đoạn gia công cơ; tiết kiệm vật tư phụ (dụng cụ cắt). Cải tiến này đã làm lợi 800 triệu đồng/năm cho công ty. Được biết, để có sáng kiến trên, anh đã từng phải làm đi làm lại rất nhiều lần, song, anh không bao giờ nản chí vì “máy móc là niềm đam mê của đời tôi”- người kỹ sư chia sẻ.

Ngoài ra, anh còn phối hợp với CBCNV trong công ty phát huy tốt các hệ thống quản lý ISO 140001: 2004 và ISO 9001: 2008; tham gia biên soạn tài liệu, thực hiện đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động, đào tạo cho lao động mới vào công ty. “Từ nhận thức “Chất lượng sản phẩm là sự tồn tại của doanh nghiệp”, trong năm qua, tôi đã cùng toàn thể CBCNV thực hiện hiệu quả hệ thống quản lý “5S”, Kaizen thông qua các khóa đào tạo, học tập và thực hành: Sàng lọc - Sắp xếp - Sạch sẽ - Sẵn sàng. Từ đó làm chuyển biến nhận thức sâu sắc về phương pháp quản lý mới trong sản xuất, kinh doanh” - anh nói.

Năm 2015, anh An Như Thắng có 13 sáng kiến cải tiến, hợp lý hóa trong quy trình sản xuất tại các công đoạn trên dây chuyền sản phẩm, với tổng giá trị làm lợi cho doanh nghiệp lên tới 1,5 tỷ đồng.

Nguyễn Phượng