banner2019
 
Thứ sáu, ngày 19 tháng 04 năm 2024
Thứ sáu, ngày 19 tháng 04 năm 2024
Nội dung hoạt động của Chủ tịch Công đoàn cơ sở trong giai đoạn hiện nay
Cập nhật lúc 03:23 ngày 02/10/2015

I. Vị trí, nhiệm vụ của Chủ tịch công đoàn cơ sở.

1. Vị trí của Chủ tịch Công đoàn cơ sở.

Chủ tịch công đoàn cơ sở, do Ban chấp hành công đoàn cơ sở bầu ra, hoặc do đại hội công đoàn cơ sở trực tiếp bầu, khi có trên 50% đại biểu đại hội đề nghị bầu trực tiếp và được sự đồng ý của công đoàn cấp trên trực tiếp. Chủ tịch công đoàn cơ sở là người đứng đầu Ban chấp hành, Ban thường vụ công đoàn cơ sở, người trực tiếp chịu trách nhiệm trước Ban chấp hành công đoàn về tổ chức hoạt động của công đoàn cơ sở.


2. Nhiệm vụ của Chủ tịch công đoàn cơ sở.

Chủ tịch Công đoàn cơ sở có các nhiệm vụ chủ yếu sau:

2.1. Nhiệm vụ chung của Chủ tịch công đoàn cơ sở.

- Xây dựng chương trình công tác của công đoàn cơ sở theo tháng, quý, năm. Chuẩn bi nội dung các cuộc họp Ban Chấp hành; Ban Thường vụ công đoàn cơ sở để thảo luận thông qua chương trình, kế hoạch tổ chức hoạt động của công đoàn cơ sở.

- Tổ chức, chỉ đạo hoạt động của công đoàn cơ sở, nhằm thực hiện các nghị quyết, chương trình, kế hoạch hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ công đoàn cơ sở đề ra.

- Chủ động xây dựng quan hệ hợp tác và phối hợp hoạt động với thủ trưởng cơ quan, đơn vị, người sử dụng lao động.

- Xây dựng quan hệ phối hợp hoạt động giữa Ban Chấp hành công đoàn và Thủ trưởng cơ quan; Chủ tịch HĐQT hoặc Giám đốc doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của các bên, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

- Phối hợp với cấp ủy Đảng, chuyên môn và các tổ chức quần chúng ở cơ sở, tổ chức thực hiện có hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở theo tinh thần NĐ 71/CP/1998; NĐ/07/CP/1999, NĐ/79/2003 của Chính phủ và Thông tư số 12/2004 của Bộ Nội vụ về thực hiện quy chế dân chủ.

2.2. Nhiệm vụ cụ thể của Chủ tịch công đoàn cơ sở.

- Chủ tịch công đoàn cơ sở có trách nhiệm nghiên cứu, nắm vững đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của công đoàn cấp trên và nhiệm vụ công tác, sản xuất, kinh doanh ở cơ quan, đơn vị.

- Chủ tịch công đoàn cơ sở có niệm vụ tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với công nhân, viên chức, lao động để họ hiểu và thi hành.

- Vận động, tổ chức công nhân lao động thực hiện đường lối, chủ chương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của công đoàn cấp mình và cấp trên và nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của cơ quan, đơn vị.

- Giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách, pháp luật ở cơ quan, đơn vị, đặc biệt là giám sát thực hiện chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ người lao động. Đồng thời tập hợp những vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến quyền lợi nghĩa vụ của công nhân, viên chức, lao động và tổ chức Công đoàn để phản ánh kịp thời với cấp ủy Đảng, cơ quan chính quyền đồng cấp và công đoàn cấp trên để nghiên cứu, điều chính, sửa đổi cho phù hợp, nhằm đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng, quyền, lợi ích hợp pháp của công nhân, viên chức, lao động.

3. Nguyên tắc hoạt động của Chủ tịch công đoàn cơ sở.

Hoạt động của Chủ tịch công đoàn cơ sở theo các nguyên tắc cơ bản sau:

- Liên hệ mật thiết với đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động; nắm chắc tâm tư nguyện vọng và những bức xúc của công nhân, viên chức, lao động để đề xuất phương hướng, biện pháp tổ chức hoạt động cho phù hợp với điều kiện cụ thể.

- Chủ tịch phải thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức điều hành hoạt động của công đoàn cơ sở, thể hiện ở chỗ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tập thể, thiểu số phục tùng đa số. Mọi nội dung chương trình hoạt động của công đoàn cơ sở đều phải được dân chủ thảo luận. Khi chương trình, kế hoạch tổ chức hoạt động đã được thống nhất thông qua thành nghị quyết, thì Chủ tịch công đoàn cơ sở và mỗi cán bộ, đoàn viên công đoàn phải có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc.

4. Yêu cầu đối với Chủ tịch công đoàn cơ sở.

- Nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của công nhân, viên chức lao động và tổ chức Công đoàn.

- Nắm vững yêu cầu, nhiệm vụ và tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị. Đặc biệt phải nắm vững lý luận, nghiệp vụ công tác công đoàn, có kinh nghiệm vận động, thuyết phục, tập hợp và tổ chức cho quần chúng hoạt động, có tác phong quần chúng.

- Có uy tín đối với quần chúng.

II. Nội dung hoạt động của chủ tịch công đoàn cơ sở trong giai đoạn hiện nay.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ của Chủ tịch công đoàn cơ sở, hoạt động của Chủ tịch Công đoàn cơ sở cần tập trung vào một số nội dung cơ bản sau:

1. Nghiên cứu nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, nghị quyết của công đoàn cấp trên, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, công tác của đơn vị.

Chủ tịch công đoàn cơ sở cần coi việc nghiên cứu, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của công đoàn cấp trên, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, công tác của đơn vị là một nội dung công tác quan trọng cần quan tâm thường xuyên, trên cơ sở đó để quán triệt, vận dụng vào chương trình, kế hoạch tổ chức hoạt động của công đoàn cơ sở cho thiết thực và có hiệu quả.

2. Chủ tịch công đoàn cơ sở có nhiệm vụ tập trung chỉ đạo xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh.

Công đoàn cơ sở là nền tảng của tổ chức Công đoàn Việt Nam, nơi trực tiếp thực hiện chức năng nhiệm vụ và phát huy vai trò của tổ chức công đoàn. Công đoàn cơ sở có vững mạnh thì tổ chức công đoàn mới mạnh. Vì vậy, xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả tổ chức Công đoàn Việt Nam. Đặc biệt đối với công đoàn cơ sở thì xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh phải là nhiệm vụ thường xuyên trọng tâm của công tác tổ chức, hoạt động công đoàn ở cơ sở. Chủ tịch công đoàn cơ sở với tư cách là người đứng đầu công đoàn cơ sở, phải coi chỉ đạo xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của mình. Phải giành nhiều thời gian, công sức, trí tuệ để tổ chức, chỉ đạo xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh, nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ và phát huy mạnh mẽ vai trò của công đoàn cơ sở, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối của Đảng, cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chăm lo bảo vệ có hiệu quả quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVC-LĐ. Trong tổ chức chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh, Chủ tịch công đoàn cơ sở, người đứng đầu Ban chấp hành công đoàn cơ sở cần quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt những nội dung cơ bản sau:

a. Chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ.

Chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVC - LĐ là chức năng trung tâm, và quan trọng hàng đầu của Công đoàn Việt Nam.

Lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, lao động bao gồm lợi ích vật chất, lợi ích tinh thần. Đảm bảo lợi ích vật chất đối với CNVCLĐ nước ta hiện nay tức là đảm bảo việc làm ổn định, phù hợp với năng lực, trình độ, điều kiện của người lao động, thời gian lao động được đảm bảo hợp lý, người lao động có thu nhập tương xứng với lao động để đảm bảo đời sống của bản thân và gia đình họ, đồng thời những điều kiện lao động của họ phải được đảm bảo.

Đảm bảo lợi ích tinh thần của CNVC-LĐ tức là người lao động phải được đối xử bình đẳng như mọi người, được tạo điều kiện, cơ hội như nhau trong cống hiến, học tập, làm việc, được quan tâm đến đời sống tinh thần.

Để hoạt động công đoàn cơ sở thực hiện tốt chức năng đại diện chăm lo bảo vệ, quyền lợi hợp pháp chính đáng của CNVC-LĐ, trước tiên Chủ tịch công đoàn cơ sở cần quan tâm đề xuất với Ban chấp hành xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện chương trình kế hoạch hoạt động tập trung vào những hoạt động sau:

+ Hướng dẫn giúp đỡ người lao động ký giao kết hợp đồng với người sử dụng lao động theo đúng quy định của Bộ luật lao động.

+ Chỉ đạo BCH công đoàn cơ sở, đại diện cho công nhân lao động tham gia xây dựng TƯLĐTT.

+ Tổ chức cho CNLĐ tham gia xây dựng TƯLĐTT và đại diện cho CNV-LĐ thương lượng với người sử dụng lao động, ký thỏa ước lao động tập thể.

+ Vận động, tổ chức để công nhân, lao động thực hiện TƯLĐTT, đồng thời giám sát việc thực hiện những quy định của TULĐTT.

+ Chỉ đạo BCH công đoàn cơ sở giám sát việc thực hiện pháp lệnh bảo hộ lao động, vệ sinh an toàn lao động; chính sách bảo hiểm xã hội, y tế và các biện pháp phòng ngừa bệnh nghề nghiệp.

+ Tổ chức cho công nhân, lao động tự học hỏi, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, làm giàu hợp pháp theo những điều kiện cụ thể của mỗi người.

b. Chỉ đạo và tổ chức cho công nhân, lao động tham gia quản lý cơ quan, đơn vị:

Tham gia quản lý cơ quan, doanh nghiệp là một trong những chức năng của Công đoàn. Thực chất của tham gia quản lý cơ quan, doanh nghiệp là nhằm phát huy quyền dân chủ của người lao động, để bảo vệ lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài, lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể của người lao động. Do vậy Chủ tịch công đoàn cơ sở cần quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt nội dung hoạt động này.

Để chỉ đạo thực hiện nội dung này, Chủ tịch công đoàn cơ sở cần:

- Phối hợp chặt chẽ với Giám đốc doanh nghiệp, thủ trưởng cơ quan, tổ chức tốt Đại hội công nhân viên chức, hoặc hội nghị cán bộ công chức theo quy định của pháp luật và hướng dẫn liên tịch của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Lao động - Thương binh xã hội.

Chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả nội dung Quy chế dân chủ ở cơ sở (ban hành kèm theo Nghị định số 07/CP ngày 13 tháng 2 năm 1999 của Chính phủ). Phối hợp với Hội đồng quản trị trong công ty cổ phần tổ chức đại hội cổ đông, đại hội CNLĐ theo hướng dẫn của Nhà nước và của Công đoàn Việt Nam).

+ Phối hợp với Giám đốc doanh nghiệp, thủ trưởng cơ quan tổ chức các phong trào thi đua trong CNVC-LĐ, như phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo; phong trào học tập nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế; phong trào tiết kiệm chống lãng phí, tham nhũng và các tệ nạn xã hội.

 + Chỉ đạo ban thanh tra nhân dân hoạt động theo quy định của Luật thanh tra và hướng dẫn số 11-2004/1/CTN ngày 24 tháng 6 năm 2004 về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Nhà nước và Ban thanh tra nhân dân.

 + Chỉ đạo Ủy ban kiểm tra Công đoàn hoạt động. Trong tổ chức chỉ đạo hoạt động của UBKT công đoàn, cần quan tâm đến các hoạt động sau:

 Kiểm tra về tổ chức và hoạt động công đoàn theo nguyên tắc tập trung dân chủ, xây dựng thực hiện các Quy chế tổ chức, hoạt động của Ban chấp hàng công đoàn, quy chế phối hợp giữa BCH công đoàn với thủ trưởng cơ quan, hoặc với giám đốc doanh nghiệp;

 Kiểm tra các mặt hoạt động của tổ công đoàn, công đoàn bộ phận (khi kiểm tra cần xây dựng và thống nhất các biểu để làm căn cứ kiểm tra, đánh giá);

 Kiểm tra chi tiêu tài chính của công đoàn cơ sở theo quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

 + Chủ tịch Công đoàn cơ sở cần tập trung chỉ đạo các Ủy viên BCH công đoàn cơ sở trong việc phối hợp với chuyên môn giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo, các vướng mắc, các hiện tượng gây mất đoàn kết, hiểu lầm trong CNVC-LĐ. Để giải quyết tốt các vấn đề nói trên, Chủ tịch công đoàn cơ sở, có thể đề nghị Ban chấp hành công đoàn tổ chức hội nghị chuyên đề để thảo luận, thỏa thuận các phương án giải quyết cho phù hợp, hoặc chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ, nhóm hòa giải.

 + Chủ tich Công đoàn cơ sở có thể trực tiếp tham gia hoặc phân công cán bộ công đoàn tham gia các hội đồng ở cơ sở với tư cách đại diện cho tập thể CNLĐ ở doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị trong việc giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền lợi nghĩa vụ của công nhân lao động. Do vậy đòi hỏi Chủ tịch công đoàn hoặc người được Chủ tịch công đoàn cử tham gia phải am hiểu lĩnh vực cần tham gia, có phương pháp tham gia và có bản lĩnh.

 + Chủ tịch công đoàn cơ sở cần quan tâm tổ chức nhiều hình thức thiết thực, phù hợp để công nhân lao động tham gia xây dựng và thực hiện tốt nội quy, quy chế trong cơ quan, doanh nghiệp; mặt khác Chủ tịch công đoàn cần vận động, tổ chức cho công nhân lao động thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế, chính sách và các nội quy, quy chế của cơ quan, doanh nghiệp.

 + Chú trọng chỉ đạo, giúp đỡ, tạo điều kiện để Ban nữ công công đoàn cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ vận động, tập hợp và tổ chức cho nữ công nhân lao động tham gia các hoạt động xã hội và thực hiện tốt công tác kế hoạch hóa gia đình; đồng thời thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích của nữ công nhân lao động, góp phần xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh.

 c. Chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao năng lực làm chủ của công nhân, lao động.

 Tuyên truyền, giáo dục công nhân, viên chức, lao động là một trong những chức năng cơ bản của tổ chức Công đoàn Việt Nam, là điều kiện xã hội để công đoàn chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân lao động. Để chỉ đạo tốt chức năng này, Chủ tịch công đoàn cần:

 + Chỉ đạo đẩy mạnh và không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biển các chế độ, chính sách, luật pháp có liên quan đến quyền và lợi ích của công nhân, lao động ở đơn vị. Đặc biệt cần quan tâm hàng đầu đến việc tuyên truyền, phổ biến nội dung Thỏa ước lao động tập thể; nội dung Quy chế dân chủ ở cơ sở của cơ quan, đơn vị để mọi công nhân, lao động am hiểu chính sách pháp luật và nội quy, quy chế, tự giác thực hiện chính sách, pháp luật, nội quy, quy chế của cơ quan, doanh nghiệp và tự bảo vệ mình trước các cơ quan pháp luật.

 + Tuyên truyền, phổ biến để công nhân, lao động nắm được những kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh, kinh nghiệm trong phòng chống các tệ nạn xã hội.

 + Chú trọng đề xuất với giám đốc, hội đồng quản trị quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn nghề nghiệp, ngoại ngữ cho công nhân lao động để công nhân lao động có khả năng tiếp cận và làm chủ được công nghệ mới, hiện đại.

 + Quan tâm đến các hoạt động vui chơi, giải trí cho công nhân lao động như tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao, tham quan du lịch, làm cho đời sống tinh thần của công nhân lao động thêm phong phú, góp phần tái sản xuất sức lao động, mang lại hiệu quả sản xuất kinh doanh cao cho doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị.

 d. Chỉ đạo đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, kiện toàn tổ chức, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ cán bộ công đoàn cơ sở.

 - Công tác phát triển đoàn viên có vai trò quan trọng, quyết định đến sức sống của tổ chức công đoàn. Là người đứng đầu Ban chấp hành công đoàn cơ sở, Chủ tịch công đoàn cần thường xuyên quan tâm đến công tác này. Để công tác phát triển đoàn viên ở cơ sở được đẩy mạnh, Chủ tịch công đoàn cơ sở cần chú trong chỉ đạo công đoàn cơ sở tập trung vào một số nội dung hoạt động cơ bản sau:

 - Tuyên truyền, giáo dục để công nhân lao động hiểu về công đoàn, quyền, nhiệm vụ của đoàn viên công đoàn, các lợi ích khi gia nhập tổ chức Công đoàn. Trên cơ sở đó để công nhân lao động tự giác gia nhập công đoàn và tham gia hoạt động công đoàn. Đồng thời công đoàn cơ sở cần chú trọng đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động, hướng hoạt động của công đoàn cơ sở vào đại diện, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của công nhân lao động để tăng tính hấp dẫn của công đoàn đối với công nhân, lao động.

Khi công nhân lao động có nguyện vọng gia nhập tổ chức công đoàn, Chủ tịch công đoàn cơ sở cần phân công cán bộ hướng dẫn, giúp đỡ công nhân lao động viết đơn gia nhập công đoàn. Khi đoàn viên tự nguyện viết đơn gia nhập tổ chức Công đoàn, Ban chấp hành công đoàn cơ sở ra quyết định kết nạp đoàn viên và chú ý tổ chức lễ kết nạp trang trọng, tạo được ấn tượng tốt đối với đoàn viên. Nơi tổ chức lế kết nạp cần treo Quốc kỳ, ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, huy hiệu Công đoàn Việt Nam.

Chương trình tổ chức lễ kết nạp gồm: Chào cờ, tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu. Tổ trưởng hoặc Chủ tịch Công đoàn bộ phận, công đoàn cơ sở thành viên đọc quyết định của Ban chấp hành Công đoàn cơ sở về chuẩn y kết nạp đoàn viên. Đoàn viên mới (hoặc đại diện đoàn viên mới nếu kết nạp nhiều người một lúc) phát biểu cảm tưởng khi gia nhập tổ chức Công đoàn. Trong buổi lễ kết nạp đoàn viên công đoàn có thể tiến hành kết nạp nhiều người, nhưng những người được kết nạp phải có mặt tại buổi kết nạp…

- Bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ cán bộ công đoàn cơ sở có vai trò hết sức quan trọng, vì cán bộ công đoàn đóng vai trò then chốt trong mọi hoạt động công đoàn. Do vậy Chủ tịch công đoàn cơ sở cần quan tâm thường xuyên đến công tác này trong công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ cán bộ công đoàn. Tùy theo điều kiện cụ thể công đoàn cơ sở có thể áp dụng các hình thức cơ bản sau:

Một là, sơ kết, tổng kết các hoạt động công đoàn cơ sở rút ra những bài học kinh nghiệm tốt và chưa tốt để phổ biến cho đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở nghiên cứu, học tập những kinh nghiệm tốt và khắc phục những tồn tại, hạn chế.

Hai là, mở lớp bồi dưỡng ngắn ngày, mời các chuyên gia có kinh nghiệm giới thiệu những vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động công đoàn, những chính sách, pháp luật mới có liên quan đến CNVC-LĐ ở đơn vị. Thời gian tổ chức học có thể từ một buổi đến vài ngày.

Để công tác bồi dưỡng cán bộ công đoàn cơ sở có hiệu quả, Chủ tịch công đoàn cơ sở cần xuất phát từ tình hình cụ thể của cơ sở, từ nhu cầu thực tế của cán bộ công đoàn để lựa chọn nội dung, hình thức bồi dưỡng, lựa chọn giáo viên thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng cho phù hợp.

Ba là, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về công đoàn, về các chế độ, chính sách, pháp luật, về khả năng ứng xử và kiến thức kinh tế, tâm lý xã hội nhân các ngày lễ, ngày truyền thống của đất nước, ngành hoặc của cơ quan đơn vị, để thông qua các cuộc thi, góp phần nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ công đoàn.

Trong điều kiện nền kinh tế thị trường, để tăng tính cạnh tranh, các cơ sở sản xuất kinh doanh thường đổi mới sắp xếp lại tổ chức sản xuất gây nên nhiều biến động trong đơn vị, Chủ tịch công đoàn cơ sở cần chỉ đạo kiện toàn ngay tổ chức Công đoàn cho phù hợp để đoàn viên, công nhân lao động ổn định tổ chức và hoạt động có nề nếp. cần chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở từ tổ trưởng trở lên có năng lực, trình độ, bản lĩnh, có nhiệt tình và phương pháp hoạt động công đoàn. Trong xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở giai đoạn hiện nay cần căn cứ vào tiêu chuẩn cán bộ công đoàn. Tuy nhiên công đoàn cơ sở có rất nhiều loại, có công đoàn cơ sở khu vực hành chính sự nghiệp, công đoàn cơ sở khu vực sản xuất kinh doanh, có công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp nhà nước, công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, công đoàn cơ sở trong các công ty cổ phần… Do tính chất và đặc điểm của từng loại hình công đoàn cơ sở có sự khác nhau nên yêu cầu đối với cán bộ công đoàn cơ sở cũng khác nhau. Vì vậy đối với mỗi loại cán bộ công đoàn cơ sở phải xây dựng chức danh và tiêu chuẩn cụ thể.

Tuy vậy cán bộ công đoàn cơ sở cần có các tiêu chuẩn cơ bản sau:

- Có bản lĩnh chính trị vững vàng, nhiệt tình công tác công đoàn.

Yêu cầu tiêu chuẩn này đòi hỏi người cán bộ công đoàn cơ sở phải là người có tài năng và ý chí, tức là những người có trí tuệ, có kiến thức rộng, am hiểu và nắm vững tình hình kinh tế - chính trị - xã hội, nắm vững pháp luật, trước tiên là pháp luật có liên quan đến quyền lợi nghĩa vụ của CNVC-LĐ và công đoàn, cán bộ công đoàn phải có trách nhiệm với công việc. Như vậy đòi hỏi giữa phẩm chất, trí tuệ và năng lực công tác của cán bộ công đoàn hòa quyện vào nhau, tạo thành bản lĩnh chính trị của cán bộ công đoàn.

- Có năng lực chuyên môn.

Yêu cầu tiêu chuẩn này đòi hỏi người cán bộ công đoàn phải hiểu biết về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của sản xuất, công tác ở đơn vị, có kiến thức về kinh tế, chính trị, xã hội, pháp luật và công đoàn, đặc biệt là có khả năng tự học, để không ngừng nâng cao trình độ.

- Yêu cầu về phẩm chất đạo đức và lối sống.

Có tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật, năng động, sáng tạo, tinh thần cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Cụ thể hơn nữa cán bộ công đoàn cơ sở phải là người ham học hỏi, nhạy cảm, có tính điềm đạm, có tác phong sâu sát, gần gũi quần chúng, có khả năng giao tiếp và quan hệ rộng rãi, có trách nhiệm với công việc, quan tâm đến đồng nghiệp và tập thể.

- Yêu cầu về kỹ năng và nghiệp vụ công tác công đoàn.

Đây là yêu cầu quan trọng đối với cán bộ công đoàn cơ sở trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cán bộ công đoàn cơ sở phải có khả năng và phương pháp tuyên truyền, vận động, thuyết phục để tập hợp đoàn viên và người lao động, đặc biệt cán bộ công đoàn phải có kỹ năng thương lượng, đàm phán với người sử dụng lao động để đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và tập thể người lao động.

Các tiêu chuẩn trên đối với cán bộ công đoàn cơ sở có quan hệ hữu cơ, hỗ trợ và bổ sung cho nhau là tiền đề điều kiện của nhau, nếu thiếu một trong các yêu cầu tiêu chuẩn trên, thì cán bộ công đoàn sẽ gặp khó khăn trong công tác của mình. Thực tế trong phong trào công nhân, hoạt động công đoàn nước ta hiện nay cho thấy còn không ít cán bộ công đoàn chưa hội tụ đủ các yêu cầu về tiêu chuẩn trên nên còn nhiều lúng túng trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của một số cán bộ công đoàn chưa cao. Do vậy, xác định rỏ tiêu chuẩn cán bộ công đoàn là vấn đề quan trọng, là điểm xuất phát để cán bộ công đoàn đủ sức thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của công đoàn. Đồng thời đây là cơ sở để quy hoạch, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhằm nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ công đoàn.

 3. Chú trọng xây dựng chương trình, kế hoạch công tác của công đoàn cơ sở và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch công tác có hiệu quả. 

Chương trình, kế hoạch công tác là dự kiến những nội dung hoạt động quan trọng của công đoàn cơ sở trong từng thời gian cụ thể để trình xin ý kiến của Ban chấp hành công đoàn cơ sở. Chương trình, kế hoạch công tác của công đoàn cơ sở khi được Ban chấp hành công đoàn cơ sở thông qua sẽ là cơ sở để Chủ tịch, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành công đoàn cơ sở chỉ đạo, tổ chức thực hiện chương trình. Chương trình, kế hoạch công tác là một trong ba khâu của công tác tổ chức thực hiện (Mục tiêu, xây dựng kế hoạch thực hiện và kiểm tra). Nếu chương trình, kế hoạch công tác được xây dựng khoa học, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của công nhân, lao động sẽ là sở để tổ chức chỉ đạo hoạt động công đoàn có hiệu quả, nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của công đoàn. Do vậy, xây dựng chương trình, kế hoạch công tác có vai trò hết sức quan trọng đối với việc nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động công đoàn. Để xây dựng chương trình, kế hoạch công tác khoa học, sát với thực tế ở doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn trong từng giai đoạn. Chủ tịch công đoàn cơ sở cần nghiên cứu kỹ nghị quyết của Đảng ủy (nếu có), chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết hoặc chỉ đạo của công đoàn cấp trên và tình hình sản xuất, kinh doanh, công tác ở đơn vị.

4. Chỉ đạo các Ủy viên Ban chấp hành, các Ban chuyên đề, tổ chức công đoàn và công đoàn bộ phận thực hiện chương trình, kế hoạch công tác đã được thông qua.

Khi chương trình, kế hoạch công tác được Ban chấp hành thông qua, Chủ tịch công đoàn cơ sở cần phân công nhiệm vụ và quy định trách nhiệm cụ thể cho mỗi Ủy viên Ban chấp hành theo phương châm rõ người, rõ việc, rõ điều kiện, thời gian thực hiện công việc. Cần phân công mỗi người phụ trách một nhiệm vụ hoặc một mảng công tác cụ thể.

Chỉ đạo, hướng dẫn các Ủy viên Ban chấp hành công đoàn xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức hoạt động từng quý, sáu tháng, một năm và cả nhiệm kỳ theo chức năng nhiệm vụ được phân công để xin ý kiến Ban chấp hành công đoàn cơ sở và khi được Ban chấp hành thông qua thì mỗi ủy viên Ban chấp hành công đoàn cơ sở phải có trách nhiệm tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình, kế hoạch đã được thông qua.

Chủ tịch công đoàn cơ sở có trách nhiệm thường xuyên cùng Ban Thường vụ kiểm tra, đôn đốc các cấp công đoàn và từng cá nhân được phân công nhiệm vụ. Định kỳ đánh giá, nhận xét kết quả hoạt động của các cấp công đoàn và của mỗi ủy viên Ban Chấp hành theo chương trình, kế hoạch đã được giao hoặc đăng ký.

Tập trung chỉ đạo, giúp đỡ công đoàn bộ phận, tổ công đoàn và công đoàn cơ sở thành viên thực hiện tốt những nội dung hoạt động cụ thể sau:

Một là: Hướng dẫn, giúp đỡ cán bộ công đoàn cơ sở thành viên, công đoàn bộ phận, tổ công đoàn xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch hoạt động của công đoàn cơ sở thành viên, công đoàn bộ phận, tổ công đoàn. Đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch đã được thông qua.

Hai là: Chỉ đạo, giúp đỡ công đoàn bộ phận, tổ công đoàn phân công đoàn viên, công nhân, lao động đảm nhận các nội dung hoạt động công đoàn để thực hiện nội dung, chương trình, công tác công đoàn đã được duyệt.

Ba là: Hướng dẫn, chỉ đạo, giúp đỡ tổ công đoàn, công đoàn bộ phận, công đoàn cơ sở thành viên phối hợp với chuyên môn tổ chức các phong trào thi đua trong công nhân, lao động, đồng thời kiểm tra, đánh giá, đề xuất khen thưởng kịp thời các cá nhân, tập thể có thành tích và phổ biến, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua.

Bốn là: Chú trọng chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở. Nội dung, hình thức của công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ công đoàn cơ sở cần căn cứ vào điều kiện và tình hình cụ thể của cơ sở để lựa chọn cho thích hợp.

5. Sơ kết, tổng kết, báo cáo.

Thực hiện chế độ sơ kết, tổng kết, thông tin báo cáo có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công đoàn. Chủ tịch công đoàn cơ sở - người đứng đầu Ban Chấp hành công đoàn cơ sở cần chú trọng thực hiện nghiêm túc công tác sơ, tổng kết hoạt động công đoàn theo quý, 6 tháng, 1 năm nhằm đánh giá đúng những mặt làm được, những kinh nghiệm hay để phổ biến rộng rãi, và rút kinh nghiệm, khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế. Đồng thời với công tác sơ, tổng kết, Chủ tịch công đoàn cơ sở cần phải thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo theo yêu cầu của hệ thống tổ chức. Trong thông tin báo cáo cần chú ý những loại thông tin báo cáo sau: Báo cáo định kỳ, báo cáo chuyên đề theo yêu cầu của cấp trên, báo cáo nhanh.

Báo cáo định kỳ của công đoàn là loại báo cáo quy định trách nhiệm của công đoàn ở một cấp nào đó định kỳ hàng quý, 6 tháng và cả năm phải thực hiện báo cáo với cấp có thẩm quyền. Báo định kỳ của công đoàn cơ sở thường có nội dung phản ánh tương đối toàn diện những hoạt động của công đoàn diễn ra ở thời kỳ đó.

Báo cáo chuyên đề là loại hình báo cáo chuyên sâu về một nội dung nào đó nhằm phục vụ cho công tác nắm bắt thông tin theo các chuyên đề hoặc để nghiên cứu, tổng kết về một chuyên đề nào đó.

Báo cáo chuyên đề là loại hình báo cáo phán ánh những vấn đề đang diễn ra có tính đột xuất ở cơ sở hoặc báo cáo xin ý kiến cấp trên giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền và khả năng của công đoàn cơ sở.

Ngoài ra, Chủ tịch công đoàn cơ sở cần thường xuyên thực hiện chế độ thông tin về kết quả hoạt động của công đoàn cơ sở xuống các tổ công đoàn, công đoàn bộ phận để tổ công đoàn, công đoàn bộ phận nắm được những kết quả, tồn tại, hạn chế trong tổ chức hoạt động của công đoàn cơ sở, từ đó các bộ phận, đơn vị rút kinh nghiệm khắc phục những mặt yếu, phát huy những mặt mạnh làm cho hoạt động công đoàn cơ sở ngày càng tốt hơn.

An Nguyễn