[In trang]
Kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh Nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2024)
Thứ sáu, 30/08/2024 - 14:19
Đây là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống hào hùng và vô cùng vẻ vang của dân tộc
Cách đây 79 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Ngày 19/8/1945 đã đi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam như một mốc son chói lọi. Ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình Hà Nội, thay mặt nhân dân cả nước Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập, trịnh trọng tuyên bố trước toàn thể thế giới và quốc dân đồng bào khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cách mạng Tháng Tám thành công, đánh dấu việc kết thúc chế độ thực dân và phong kiến, mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, với việc thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Điểm lại lịch sử, đầu năm 1945, Chiến tranh thế giới lần thứ hai bước vào giai đoạn quyết định, quân đội Xô Viết liên tiếp giành thắng lợi quyết định trên chiến trường châu Âu, giải phóng một loạt nước và tiến thẳng vào sào huyệt của phát xít Đức tại Béc lin. Ngày 9/5/1945, phát xít Đức đầu hàng vô điều kiện, chiến tranh kết thúc ở châu Âu. Ngày 8/8/1945, Liên Xô tuyên chiến với Nhật và chỉ sau 1 tuần đã tiêu diệt đội quân Quan Đông tinh nhuệ của Nhật, đẩy phát xít Nhật vào thế thất bại không thể tránh khỏi. Ngày 14/8/1945, phát xít Nhật đầu hàng vô điều kiện, chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc.
Trong nước, trải qua nhiều thử thách cam go và các cuộc diễn tập quan trọng như: Cao trào cách mạng 1930 - 1931, phong trào dân chủ 1936 - 1939, phong trào giải phóng dân tộc 1939 - 1945, phong trào cách mạng ngày càng phát triển mạnh mẽ. Trước tình hình quốc tế và trong nước có nhiều thuận lợi, Đảng ta đã có những quyết sách nhằm đẩy mạnh công tác chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.
Trước đó, tại Đông Dương, ngày 9/3/1945, phát xít Nhật làm cuộc đảo chính hất cẳng Pháp. Ngay trong đêm đó, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng quyết định phát động một cao trào cách mạng làm tiền đề cho tổng khởi nghĩa, thay đổi các hình thức tuyên truyền, cổ động, tổ chức và đấu tranh cho thích hợp. Tháng 3/1945, Trung ương Đảng ra Chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta". Từ tháng 4/1945 trở đi, cao trào kháng Nhật cứu nước diễn ra mạnh mẽ, phong phú về nội dung và hình thức. Tháng 8/1945, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) khẳng định: "Cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập đã tới" và quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền.
Ngày 13/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc thành lập, ra Quân lệnh số 1: Hiệu triệu toàn dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc dân tại Tân Trào đã thông qua "10 chính sách lớn của Việt Minh", thông qua "Lệnh Tổng khởi nghĩa", quyết định Quốc kỳ nền đỏ sao vàng, Quốc ca và bầu ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng Trung ương do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi nhân dân cả nước tổng khởi nghĩa, trong đó chỉ rõ: "Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta". Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. 
Từ ngày 14 đến ngày 18/8, cuộc tổng khởi nghĩa nổ ra giành được thắng lợi ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, đại bộ phận miền Trung, một phần miền Nam và ở các thị xã: Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Hội An, Quảng Nam... Ngày 19/8, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội. Ngày 23/8, khởi nghĩa thắng lợi ở Huế và ở Bắc Cạn, Hòa Bình, Hải Phòng, Hà Đông, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Gia Lai, Bạc Liêu... Ngày 25/8, khởi nghĩa thắng lợi ở Sài Gòn - Gia Định, Kon Tum, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh, Biên Hòa, Tây Ninh, Bến Tre... Ở Côn Đảo, Đảng bộ nhà tù Côn Đảo đã lãnh đạo các chiến sĩ cách mạng bị giam cầm nổi dậy giành chính quyền. Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay nhân dân.
Lần đầu tiên trong lịch sử, chính quyền trong cả nước thuộc về nhân dân. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) lịch sử, trước cuộc mít tinh của gần một triệu đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Từ đó, ngày 2/9 là Ngày Quốc khánh của nước ta.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Chính quyền về tay nhân dân, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á; chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến ở Việt Nam; kết thúc hơn 80 năm nhân dân ta dưới ách đô hộ của thực dân, phát xít. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ. Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành một Đảng cầm quyền. Từ đây, đất nước, xã hội, dân tộc và con người Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Từ thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ. Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành một Đảng cầm quyền. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã làm nên những chiến tích "lừng lẫy năm châu" mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên độc lập, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Mười năm cả nước tiến theo con đường chủ nghĩa xã hội (1975-1985) là mười năm Đảng ta tìm tòi con đường đổi mới. Đây cũng là thời kỳ tư duy mới được hình thành từng bước bắt nguồn từ thực tiễn sinh động của cách mạng Việt Nam. Những thành tựu và khuyết điểm trong mười năm ấy đã để lại những bài học quý giá cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong những năm tiếp theo. Đại hội VI của Đảng (tháng 12/1986) đưa ra đường lối đổi mới, mở ra bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Trải qua 38 năm đổi mới, đất nước ta đã giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa... Điều đó cho thấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, con đường đi lên Chủ nghĩa Xã hội là con đường tất yếu của sự thành công và kim chỉ nam cho mọi hành động đó là chủ nghĩa Mác-Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. 79 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công, 79 năm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam) có mặt trên bản đồ thế giới. Vị thế của chúng ta trên trường quốc tế không ngừng tăng lên, những thành tựu sau 38 năm đổi mới đã là minh chứng cho sự phát triển bền vững đó.
Hoà chung trong không khí tưng bừng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang ra sức thi đua, lập nhiều thành tích chào mừng kỷ niệm 79 năm cách mạng tháng 8 và quốc khánh 2/9 chúng ta cùng nhìn lại những mốc son chói lọi của mùa thu lịch sử năm 1945. Kỷ niệm 79 năm Ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 02/9 là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống hào hùng và vô cùng vẻ vang của dân tộc, qua đó góp phần phấn đấu xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng với niềm tin yêu và kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân./. 
Sưu tầm