[In trang]
Hội nghị Đoàn Chủ tịch TLĐLĐVN lần thứ 11: Tập trung thảo luận về hoạt động của công đoàn ngành
Thứ năm, 13/02/2020 - 08:18
Tham dự hội nghị còn có đại diện Ban Tổ chức TW, Ủy ban Kiểm tra TW, Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Dân vận TW, Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội
Ngày 11-12/2, thực hiện chương trình làm việc năm 2020, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN tổ chức Hội nghị lần thứ 11 (khoá XII). Đồng chí Nguyễn Đình Khang - Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN chủ trì hội nghị.
 Đồng chí Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN; các Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN: Trần Văn Thuật, Phan Văn Anh, Ngọ Duy Hiểu và các Uỷ viên Đoàn Chủ tịch cùng tham dự hội nghị.
Xây dựng đề án đổi mới: Hết sức cần thiết
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Đình Khang - Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - cho biết, tại hội nghị lần này, Đoàn Chủ tịch sẽ tập trung thảo luận, cho ý kiến vào 3 nội dung rất quan trọng. Đó là, “Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn (CĐ) Việt Nam trong tình hình mới” (Đề án); Tờ trình về việc chỉnh lý dự thảo Hướng dẫn Điều lệ theo nội dung chỉnh lý Điều lệ CĐ Việt Nam khóa XII sau khi thẩm định; Tờ trình sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ ngày 16.10.2019 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, công nhận chức vụ, cho thôi giữ chức vụ, từ chức, miễn nhiệm, điều động, biệt phái luân chuyển cho cán bộ của tổ chức CĐ.
Trong buổi làm việc đầu tiên của hội nghị, các Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đã tổ chức thảo luận, đóng góp ý kiến cho Đề án.
Theo Tổng LĐLĐVN, cùng với sự phát triển của lực lượng lao động, giai cấp công nhân và tổ chức CĐ Việt Nam không ngừng lớn mạnh. Số lượng công đoàn cơ sở (CĐCS) và đoàn viên CĐ tăng nhanh. Hoạt động CĐ ngày càng thiết thực, hiệu quả. Vai trò của CĐ trong tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, tham gia phản biện, thanh tra, kiểm tra, giám sát được tăng cường. CĐ tham gia tích cực xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…
Tuy nhiên, những năm tới, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra nhanh chóng và tác động sâu rộng đến đời sống, sản xuất, phương thức tập hợp và tổ chức hoạt động CĐ. Việc Việt Nam ký kết, tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA...), các công ước quốc tế và hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp sẽ tác động nhiều mặt đến tổ chức CĐ, đòi hỏi CĐ Việt Nam phải đổi mới toàn diện về tổ chức và hoạt động để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đặc biệt là việc thực hiện vai trò đại diện người lao động, chức năng chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động…
Do đó, theo Tổng LĐLĐVN, việc nghiên cứu xây dựng và thực hiện “Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động CĐ Việt Nam trong tình hình mới” là hết sức cần thiết cả về thực tiễn và lý luận.
Liên quan đến Đề án, đồng chí Nguyễn Đình Khang cho hay, trên cơ sở ý kiến của các đồng chí ủy viên Đoàn Chủ tịch gửi lại tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ 9, Đảng đoàn, Thường trực Đoàn Chủ tịch đã chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu hoàn thiện. Tại hội nghị lần này, Thường trực Đoàn Chủ tịch xin ý kiến Đoàn Chủ tịch để hoàn chỉnh lần cuối trước khi báo cáo Bộ Chính trị… 
Cần khai thác các cơ sở của CĐ để đem lại lợi ích cho đoàn viên
Phát biểu góp ý cho “Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động CĐ Việt Nam trong tình hình mới”, một số đồng chí uỷ viên Đoàn Chủ tịch cho rằng Đề án đã bám sát thực tiễn của các cấp CĐ trong thời điểm hiện nay. Đề án đã đưa ra những phương hướng hoạt động, tổ chức bộ máy của tổ chức CĐ trong tình hình mới.
Đồng thời, các uỷ viên đã có ý kiến đánh giá hiện trạng (ưu, nhược) của mô hình tổ chức bộ máy, cán bộ ở từng cấp CĐ, nhất là cấp cơ sở và cấp trên trực tiếp cơ sở. Trên cơ sở đó, các ủy viên đề xuất về mô hình tổ chức của hoạt động CĐ trong thời gian tới; các hạn chế trong nội dung, phương thức hoạt động, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; quan điểm, khâu đột phá, các giải pháp để đổi mới tổ chức và hoạt động CĐ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; đánh giá về sự lãnh đạo của Đảng và đề xuất phương hướng đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cấp CĐ…
Góp ý cho Đề án, đồng chí Trần Quang Huy - Chủ tịch CĐ Công Thương Việt Nam - cho rằng, trong thời gian qua, CĐ đã thực hiện tốt việc chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, người lao động. “Trong thời gian tới, CĐ cũng cần đẩy mạnh chương trình phúc lợi đoàn viên. Chương trình này đã thể hiện được vai trò CĐ đem lại lợi ích cho đoàn viên, qua đó thu hút người lao động chưa phải đoàn viên tham gia tổ chức CĐ tham gia CĐ. Tổ chức CĐ có thể phát huy tốt hơn nữa chương trình này bằng cách khai thác các cơ sở kinh tế của mình để đem lại lợi ích trực tiếp cho đoàn viên” - đồng chí Trần Quang Huy nói.
Phát biểu kết luận buổi làm việc đầu tiên của hội nghị, Chủ tịch Nguyễn Đình Khang cho rằng, nhiệm vụ của Đề án là đánh giá đúng thực trạng về tổ chức và hoạt động công đoàn trong 10 năm qua, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Chỉ rõ kết quả, hạn chế, yếu kém, bất cập, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm. Xác định những vấn đề đặt ra; quan điểm, mục tiêu đổi mới tổ chức và hoạt động CĐ giai đoạn 2020 - 2030. Đề xuất nhiệm vụ và các giải pháp hoàn thiện mô hình tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động CĐ đáp ứng yêu cầu của tình hình mới…
Do đó, các Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cần tập trung thảo luận kỹ về hoạt động của công đoàn ngành ở trung ương và địa phương, bởi quá trình phát triển sẽ hình thành rất nhiều ngành nghề; cách thức chọn, đào tạo được cán bộ công đoàn giỏi; định hướng chức năng nhiệm vụ cụ thể của từng các cấp công đoàn trong tình hình mới…
Việt Lâm (nguồn: laodong.vn)