[In trang]
Hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động
Thứ tư, 08/01/2020 - 20:33
NLĐ có bị buộc thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động?
Người lao động có bị buộc thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động?
Người sử dụng lao động có được giữ bản chính giấy tờ..., bảo đảm bằng tiền của người lao động cho việc thực hiện hợp đồng lao động?
Đó là các câu hỏi mà rất nhiều người lao động quan tâm.
Tại Điều 17 Bộ luật Lao động 2019 (áp dụng từ ngày 01/01/2021) về hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động:
- Người sử dụng lao động không được giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.
- Người sử dụng lao động không được yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.
- Người sử dụng lao động không được buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động. Đây cũng là điểm mới của Bộ luật Lao động 2019 so với Điều 20 của Bộ luật Lao động 2012 (áp dụng đến 31/12/2020).
Doanh nghiệp sẽ bị xử phạt hành chính khi vi phạm hành vi không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động theo quy định.
Để bảo vệ được quyền và lợi ích của mình người lao động khi bị giữ bản chính giấy tờ..., bảo đảm bằng tiền, buộc thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động có quyền khiếu nại, khởi kiện theo đúng quy định. 
Thanh Huyền tổng hợp