[In trang]
Giảm giờ làm để chăm lo tốt hơn cho người lao động
Thứ tư, 16/10/2019 - 09:22
Ông Trần Quang Huy - Chủ tịch CĐCTVN đã bày tỏ sự đồng tình và nhấn mạnh giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ của thế giới
Trong lộ trình sửa đổi Bộ luật Lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đề nghị Quốc hội xem xét giảm thời giờ làm việc bình thường từ “không quá 48 giờ trong một tuần” xuống “không quá 44 giờ trong một tuần”. Trước quan điểm này của Tổng LĐLĐ Việt Nam, ông Trần Quang Huy - Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam (CĐCTVN) đã bày tỏ sự đồng tình và nhấn mạnh giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ của thế giới và mang lại hiệu quả tích cực ở nhiều khía cạnh.
Giảm giờ làm để tránh quá tải cho người lao động
Như chúng ta đã biết, Việt Nam nằm trong nhóm nước có thời giờ làm việc bình thường theo tuần cao nhất thế giới (từ 48 giờ/tuần trở lên) và xếp thứ 3 trong số nhóm các quốc gia có giờ làm việc thực tế cao nhất (từ 2.250 - 2.500) với mức giờ làm việc trung bình năm là 2.339,55 giờ. Thực tế trong ngành Công Thương hiện nay, đa số các doanh nghiệp đều áp dụng chế độ làm việc 48h/tuần. Chính chế độ làm việc này cùng với việc làm thêm giờ nhiều đã dẫn đến tình trạng lao động bị quá tải, dẫn đến dễ xảy ra tai nạn lao động.
Theo ghi nhận nhanh của CĐCTVN năm 2018, trong ngành đã xảy ra 352 vụ tai nạn lao động tập trung ở các lĩnh vực sản xuất, cơ khí luyện kim, sử dụng và vận hành các loại máy, thiết bị... Đây đều là những khu vực lao động nặng nhọc, độc hại và đòi hỏi người lao động phải làm việc với cường độ cao, không có đủ thời gian để hồi phục sức khỏe, tái tạo sức lao động. Do vậy, giảm giờ làm là cần thiết nhằm mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động; để người lao động có thời gian chăm sóc bản thân và gia đình; để họ có thể học tập và nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động. 
Giảm giờ làm để tăng năng suất lao động
Trong năm 2018 và nửa đầu năm 2019, CĐCTVN đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện Điều lệ công đoàn, chế độ chính sách cho người lao động tại một số Công đoàn CTTTCS và CĐCS trực thuộc. Qua kiểm tra sơ bộ cho thấy, một số đơn vị đã áp dụng chế độ làm việc từ 40h- 44h/tuần như Công ty Liên doanh Dây đồng VN (40h/tuần); Công ty Tôn Phương Nam (44h/tuần); Công ty CP Cao su Đà Nẵng (40h – 44h/tuần); Công ty CP Bao bì Habeco (44h/tuần); Công ty CP Bê tông ly tâm An Giang (40h/tuần)… Đây đều là những doanh nghiệp thực hiện chế độ đối với người lao động rất tốt, năng suất lao động ổn định. Điều này chứng minh rằng việc giảm giờ làm tưởng chừng sẽ khiến năng suất lao động giảm nhưng thực tế giảm giờ làm khiến cho năng suất lao động của nhiều doanh nghiệp ổn định hoặc tăng mạnh. Kết quả này bắt nguồn từ sự hào hứng, năng động và sáng tạo của người lao động khi đã dành đủ thời gian nghỉ ngơi và chăm sóc gia đình. 
Giảm giờ làm để giảm tỷ lệ thất nghiệp
Báo cáo Quý I/2019 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ghi nhận số người thất nghiệp ước gần 1,1 triệu người, trong đó số người thất nghiệp trong độ tuổi là 1.058,9 nghìn người; số thanh niên (tuổi từ 15 - 24 tuổi) là 448,5 nghìn người. Chúng ta có thể nhận thấy tình trạng thất nghiệp tại Việt Nam vẫn còn khá cao, trong khi đó vẫn còn nhiều lao động phải làm việc 48h/tuần, thậm chí là làm thêm giờ quá nhiều.
Trên cơ sở tìm hiểu tình hình thực tế trong ngành Công Thương, có thể nhận định giảm giờ làm chính là một trong những biện pháp tạo cơ hội việc làm cho những lao động đang thất nghiệp. Thực tế, giải pháp này đã mang lại hiệu quả nhất định đối với nhiều doanh nghiệp tại Anh (với 6 triệu người làm việc trên 45 giờ/tuần và gần 2 triệu người không có việc làm, việc giảm giờ làm và thuê thêm nhân công được cho là giải pháp cho tình trạng thất nghiệp tại Anh), Hàn Quốc (quy định giảm giờ làm việc chính thức xuống còn 40 giờ mỗi tuần đã tạo hàng nghìn việc làm cho người lao động đang thất nghiệp tại đất nước này)... và nhiều quốc gia phát triển khác trên thế giới. Hơn nữa, nhiều nhà nghiên cứu khẳng định tình trạng thất nghiệp được cải thiện do giảm giờ làm là một trong những giải pháp mang lại nền kinh tế cân bằng và bền vững.
Giảm giờ làm là xu thế tất yếu cần hướng tới vì một xã hội tiến bộ, dân chủ, công bằng và văn minh
Đại hội đồng Tổ chức Lao động quốc tế (1935) với nỗ lực giảm giờ làm cho mọi loại hình công việc đã thông qua Công ước số 47 về tuần làm việc 40 giờ. Mục tiêu này cũng được phản ánh trong khuyến nghị về giảm thời giờ làm việc số 116 kêu gọi rằng khi xác lập giới hạn thời giờ làm việc, Chính phủ cần xem xét vấn đề sức khoẻ và an toàn của người lao động cũng như tầm quan trọng của việc cân bằng giữa công việc và đời sống. 
Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam Trần Quang Huy xuống cơ sở tiếp xúc với người lao động
CĐCTVN cho rằng giảm giờ làm là cần thiết, phù hợp với xu hướng chung hiện nay là tăng cường thay đổi giải pháp công nghệ, cải tiến tổ chức lao động để tăng năng suất, chứ không phải tăng thời gian làm việc. CĐCTVN mong muốn có thêm các đơn vị trong ngành Công thương cho lao động làm việc 40h – 44h/tuần và được quy định rõ tại nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể…của đơn vị. Những đơn vị trong ngành đã áp dụng chế độ làm việc 40h – 44h/tuần khẳng định việc giảm thời gian làm việc đã tạo động lực để doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, đổi mới quản trị doanh nghiệp, dễ dàng thích nghi với bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. 
Có thể nói, giảm giờ làm là xu thế tiến bộ được nhiều nước phát triển áp dụng hiệu quả nhằm đảm bảo sự cân bằng giữa công việc và gia đình cho người lao động, giúp người lao động có thêm thời gian tái tạo sức lao động, học tập, nâng cao trình độ... Đây cũng là tiền đề để thực hiện mục tiêu việc làm bền vững trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế tại Việt Nam nói riêng và là nền tảng cho cuộc cách mạng 4.0 phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu nói chung.
TQH