[In trang]
Thúc đẩy đối thoại xã hội và thương lượng tập thể
Thứ năm, 11/04/2019 - 14:54
Việc đối thoại giữa NLĐ với lãnh đạo DN và việc ký kết thỏa ước lao động tập thể nhóm DN có thể mang lại lợi ích cho tất cả các bên
Chiều 10-4,Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Công đoàn Hà Lan tổ chức tọa đàm về đối thoại xã hội, nhằm chia sẻ kinh nghiệm tổ chức đối thoại xã hội và thương lượng tập thể tại Hà Lan và thực tiễn áp dụng tại Việt Nam.
Nhiều ý kiến khẳng định: Đối với doanh nghiệp (DN), đối thoại giữa người sử dụng lao động - ban giám đốc công ty và thương lượng tập thể có thể mang lại những lợi ích như: Giảm tranh chấp lao động và đình công; người lao động (NLĐ) có tay nghề sẽ gắn bó hơn với DN; người sử dụng lao động và NLĐ hiểu nhau hơn, nhờ đó đưa ra những giải pháp thực tiễn tiết kiệm chi phí và dễ thực hiện để giải quyết các vấn đề tại DN. Dự án hợp tác giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam và Công đoàn Hà Lan nhằm thúc đẩy đối thoại giữa NLĐ - ban giám đốc công ty và thương lượng tập thể hiệu quả tại các DN trong ngành dệt may Việt Nam được triển khai trong vòng 3 năm. Dự án tập trung thực hiện thí điểm trong ngành dệt may tại 3 tỉnh, TP là Hưng Yên, TP HCM và Đồng Nai, nhằm đào tạo và hướng dẫn đại diện của người sử dụng lao động và NLĐ đối thoại với nhau, hướng đến xây dựng thỏa ước lao động tập thể nhóm DN.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại tọa đàm
Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu khẳng định: Việc đối thoại giữa NLĐ với lãnh đạo DN và việc ký kết thỏa ước lao động tập thể nhóm DN có thể mang lại lợi ích cho tất cả các bên. Đối với NLĐ, sẽ có điều kiện làm việc tốt hơn; đối với người sử dụng lao động, năng suất lao động tăng cao hơn và đối với Chính phủ, sẽ có nền kinh tế ổn định hơn. Mục đích cuối cùng đối thoại hướng đến là tất cả các bên cùng có lợi.
D.Thảo (nguồn: nld.com.vn)