[In trang]
Nghề của Mẹ
Thứ tư, 03/04/2019 - 10:59
Ngày hôm nay đang trong đợt rét hại, mẹ tôi đêm nay vào ca bán hàng. Ấy vậy mẹ tôi đi làm chẳng chờ mưa tạnh, chẳng ngại gió rét, đi làm vui như tôi đến trường
Tháng Giêng, những đợt lạnh buốt giá, cái lạnh len lỏi từng ngõ ngách, thêm mưa phùn lâm thâm, cái rét như kim chích vào da thịt. Ngày hôm nay đang trong đợt rét hại, mẹ tôi đêm nay vào ca bán hàng. Ấy vậy mẹ tôi đi làm chẳng chờ mưa tạnh, chẳng ngại gió rét, đi làm vui như tôi đến trường.
Nghề của mẹ tôi : Công nhân bán xăng dầu, cái nghề mà mọi người thường bảo là “làm dâu trăm họ”, vất vả, độc hại nhưng mẹ vẫn yêu nghề và gắn bó. Gió từng đợt rít qua các cành lá khô, ngồi trong nhà bàn tay lạnh còn tím, mẹ gấp gáp áo quần đi nhận ca. Lòng mẹ chỉ lo lắng một chút và mong ông trời rét thôi đừng có mưa, vì mẹ sợ mưa kéo dài đến sáng mai con đi học sẽ ướt át và các “thượng đế” cũng ngại đến mua xăng dầu.
Ảnh sưu tầm từ đồng nghiệp
Bao năm tháng ngoài công việc gia đình, mẹ luôn chỉn chu với nghề đã chọn, công việc của mẹ là đón, hướng dẫn khách hàng, bơm xăng dầu và thu tiền. Nói thì tưởng chừng rất đơn giản như bán hàng ngoài chợ nhưng thực sự rất phức tạp. Lần đến cửa hàng mẹ và quan sát mẹ làm việc, mẹ thoăn thoắt chỉ khách vào nơi bơm hàng, một tay cầm cò bơm, một tay thực hiện các thao tác chỉ về màn hình cột bơm, đồng thời lại hỏi han khách hàng, đôi mắt mẹ luôn cười hằn sâu dấu chân chim. Riêng việc đưa tay hướng khách nhìn vào màn hình cột bơm thực hiện 2 lần đối với một khách hàng, chỉ trong tầm hơn nửa tiếng đồng hồ, tôi đếm mẹ phục vụ khoảng 50 khách hàng. Vậy, ngoài cầm cò bơm 50 lần thì phải đưa tay lên xuống 100 lần. Ôi trời ơi! Vậy một ca bán hàng bao nhiêu lần bơm và bao nhiêu lần đưa tay lên xuống, sao bán xăng dầu lại phải phức tạp vậy nhỉ? Tôi đem thắc mắc này hỏi mẹ, Mẹ cười bảo: “Đưa tay lên xuống cho vui, khách hàng nhớ lâu mai lại đến mua. Mà việc của cô là học, hỏi làm chi việc của tôi”. Mãi sau này tôi mới biết đó là 5 bước bán hàng của người công nhân xăng dầu chỉ ở Petrolimex mới có, 5 bước bán hàng mang lại nhiều lợi ích trong đó có một lợi ích mẹ bảo: “Khách nhớ lâu mai lại đến mua”.
Đêm nay mưa gió lạnh buốt da, tôi mong vẫn có nhiều “ thượng đế” đến với cửa hàng xăng dầu của mẹ, như thế sẽ làm mẹ và đồng nghiệp cùng ca ấm lòng hơn! Nằm trong chăn ấm tôi cũng trằn trọc mãi không ngủ. Ôi! thương mẹ biết chừng nào, cái rét sẽ làm khớp chân mẹ đau, giá lạnh bệnh xoang của mẹ lại tái phát, nhưng tôi biết mẹ vẫn tận tụy phấn đấu bằng đồng nghiệp của mình. Những đêm đông lạnh, mẹ không bán hàng ca đêm nằm trên giường nghe gió ngoài trời gào thét, lay cành cây khô răng rắc, mẹ lại bâng quơ suýt xoa: “Nằm trong chăn còn lạnh cóng cả chân, huống hồ đứng ngoài trời”, tôi biết, mẹ lại nghĩ và thương đồng nghiệp của mẹ.
Cái nghề mẹ đã yêu và gắn bó nhiểu năm, mùa đông đã vậy, mùa hè có nỗi vất vả của mùa hè. Tôi biết nghề bán xăng dầu ít ai giữ được làn da đẹp, bởi nắng nóng mùa hè cộng thêm khói bụi hơi xăng dầu, làm cho làn da mẹ và các đồng nghiệp cứ sạm rám. Mẹ bảo: “Lưng áo đẫm mồ hôi càng làm cho màu áo xanh sẫm lại - màu cam vai áo tô thêm nét đẹp của người công nhân xăng dầu”. Nghe mẹ nói thế tôi biết mẹ yêu nghề yêu luôn cả đồng phục công nhân, thảo nào mỗi khi đi làm tôi đều thấy mẹ rất chỉnh chu đồng phục.
Ảnh mang tính chất minh họa - sưu tầm từ Website Petrolimex Hà Nội
Bốn mùa, mỗi mùa một đặc điểm, ai cũng yêu nhất mùa xuân, mẹ tôi cũng vậy. Mẹ yêu mùa xuân không chỉ là không khí đất trời giao hòa, búp trên cành e ấp, muôn hoa khoe sắc. Mẹ yêu mùa xuân bởi tiết trời dễ chịu, làm cho con người hưng phấn, say mê với công việc. Cứ thời điểm đất trời sang xuân, năm cũ sắp qua, năm mới lại tới, 3 bố con tôi thường hay ngậm ngùi vì gần 10 năm gần đây, kể từ khi hai chị em tôi khôn lớn biết giúp bố mẹ những việc trong gia đình, là gần 10 năm mẹ tôi vào ca đêm 30 và trực ngày mùng 1. Bố rất hiểu lòng mẹ, vì thương đồng nghiệp quê xa nên “xung phong” đi bán hàng hai ca liền một lúc để đồng nghiệp có những ngày xum họp trọn vẹn bên gia đình. Trước khi vào ca, mẹ chuẩn bị kỹ càng mọi thứ ở nhà cho từng ngày, từng bữa, ghi chép cách làm rõ ràng để bố con tôi đêm 30 và ngày mùng 1 cứ thế diễn theo “kịch bản” của mẹ, thiếu tay mẹ mọi món đều không vừa vặn, có phải cảm giác không nhỉ? Vì bố tôi nấu nướng cũng ngon mà - mẹ khen suốt.
Năm nào cũng thế, chiều tối mùng 1 mẹ hết ca trở về, ngôi nhà nhỏ của tôi bừng sáng như mùa xuân về tíu tít, ríu rít, hỏi han, chúc mừng. Bố lại đùa: gớm từ năm ngoái đến năm nay mới gặp nhau, mẹ con nhiều chuyện quá….Đúng thế, trong xum họp gia đình mẹ kể rất nhiều chuyện về ca bán hàng đêm 30, đó là ca đêm đông khách nhất trong năm, cường độ làm việc tăng gấp nhiều lần nhưng không ai thấy mệt mỏi, thậm chí ăn đứng và uống đứng nhưng ai cũng vui. Khách hàng, người bán hàng như xích lại gần hơn bằng lời chúc, lời chào hứa hẹn gặp nhau năm mới. Ai ai cũng dành cho nhau những lời nói tốt đẹp, ấm cả lòng.
Mẹ tôi là vậy, sống tình cảm, giản dị tận tụy, chu đáo, các bài văn của hai chị em tôi đều nhờ mẹ góp ý, thầy cô và bạn bè đều khen giàu cảm xúc. Chúng bạn tôi hỏi:
-Mẹ cậu là giáo viên à?
-Không, mẹ tớ là công nhân bán xăng dầu - Tôi tự hào trả lời tuy biết nghề của mẹ không được coi là cao quý như nghề giáo, nhưng có lẽ nhiệt huyết và sự quý trọng công việc đã được truyền từ mẹ sang tôi. Nghề nào cũng đẹp, nghề nào cũng cao quý khi ta hăng say phấn đấu và tìm được niềm vui trong công việc.
Năm tháng qua đi bao nhiêu mùa xuân đã qua, bao mồ hôi đã đổ. Cuộc sống cứ thế mà lớn dần lên với bao niềm vui, đó là những ca bán hàng đông khách, những thăng trầm buồn vui - mẹ tôi vẫn tận tụy với nghề. Dù đi đâu, bằng phương tiện gì: ô tô, xe máy, tầu hỏa.. tôi đều thương và nhớ tới bóng dáng Mẹ tôi trong trang phục của người công nhân xăng dầu, chu đáo với gia đình, tận tụy với công việc.
Tác giả: Vũ Hương Trà - Con gái Chị Nguyễn Thị Kiều Hoa - CHXD số 154 - CNXD Bắc Ninh - Petrolimex Hà Nội 
Nguồn: Petrolimex Hà Nội