[In trang]
Phong trào thi đua "Đổi mới, sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động của tổ chức CĐ": Khắc phục mạnh mẽ bệnh hình thức và hành chính hóa
Thứ sáu, 25/01/2019 - 11:08
Phát huy trí tuệ, cổ vũ, động viên cán bộ, đoàn viên hiến kế, đề xuất các sáng kiến
Phát huy trí tuệ, cổ vũ, động viên cán bộ, đoàn viên hiến kế, đề xuất các sáng kiến, giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức CĐ; khắc phục mạnh mẽ bệnh hình thức, lãng phí, trì trệ và hành chính hóa trong các cấp CĐ là một trong những yêu cầu được nêu rõ trong Kế hoạch phát động và tổ chức phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động của tổ chức CĐ” do Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường ký.
Người lao động ngành điện luôn hăng hái hưởng ứng các phong trào thi đua do tổ chức Công đoàn phát động
Có sản phẩm, rõ thành tích, rõ điển hình
Đối tượng thực hiện phong trào là các cấp CĐ từ CĐCS đến Tổng LĐLĐVN; các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp do tổ chức CĐ thành lập; cán bộ CĐ các cấp (bao gồm cả cán bộ chuyên trách và không chuyên trách); đoàn viên CĐ.
Nội dung của phong trào gồm: Đổi mới, sáng tạo, hiệu quả. Trong đó đổi mới gồm đổi mới tư duy và hành động, tập trung đổi mới nhận thức về những thời cơ và thách thức đối với tổ chức CĐ Việt Nam, về nhiệm vụ cốt lõi mà tổ chức CĐ cần tập trung thực hiện, về công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ, về nhiệm vụ của từng cấp CĐ, về xây dựng và phân bổ nguồn lực, về vai trò của CĐCS và tập trung hướng về cơ sở, về cách thức tổ chức các phong trào thi đua và hoạt động CĐ, về công tác phối hợp để chăm lo, bảo về quyền và lợi ích của đoàn viên, NLĐ; về xây dựng tổ chức CĐ vững mạnh và phương pháp tiếp cận đoàn viên, NLĐ và truyền thông CĐ. Sáng tạo: Luôn trăn trở, tìm tòi, đề xuất, nhân rộng mô hình mới, cách làm mới, giải pháp mới; quan tâm nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn; cụ thể hóa một cách sáng tạo các chủ trương, nghị quyết của Đảng, của CĐ cấp trên vào các chương trình, kế hoạch hoạt động của CĐ cấp mình; đề xuất các giải pháp, biện pháp mới, khoa học, khả thi, sát thực tế để giải quyết các vấn đề của tổ chức CĐ và của đoàn viên, NLĐ; linh hoạt trong xử lý các tình huống thực tế; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và các thành tựu khoa học - công nghệ trong hoạt động CĐ. Hiệu quả: Nghiên cứu sâu, toàn diện trước khi đưa ra các chủ trương, nghị quyết, chương trình, kế hoạch. Cân nhắc, phân tích kỹ lưỡng khi đề xuất các hoạt động CĐ; mỗi hoạt động được đề xuất cần xác định rõ mục tiêu, kết quả đạt được, tính toán kỹ nguồn lực đầu vào và kết quả đầu ra. Tập trung nguồn lực của CĐ phục vụ các nhiệm vụ cốt lõi của tổ chức, mang lại lợi ích và bảo vệ quyền lợi của đoàn viên, NLĐ. Kết quả của phong trào thi đua và các hoạt động CĐ phải rõ sản phẩm, rõ điển hình, có sức lan tỏa. Kiên quyết không tổ chức các hoạt động hình thức, gây lãng phí, tốn kém.
Ngoài mục đích đã nêu ở trên, Phong trào còn nhằm nâng cao vị thế và uy tín của tổ chức CĐ, góp phần đoàn kết, thu hút, tập hợp NLĐ gia nhập tổ chức CĐ Việt Nam, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh, tổ chức CĐ Việt Nam vững mạnh, làm tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng với quần chúng, công nhân, lao động. Các sáng kiến, hiến kế, đổi mới của cán bộ, đoàn viên CĐ là cơ sở để đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, nâng lương trước thời hạn, khen thưởng đối với cán bộ, đoàn viên CĐ; kịp thời biểu dương, nhân rộng các cá nhân, tập thể có nhiều đổi mới, sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động của tổ chức CĐ.
Đặc biệt yêu cầu đặt ra là phong trào phải được phát động đều khắp, sâu rộng, thường xuyên, liên tục ở tất cả các cấp CĐ. Việc tổ chức triển khai phong trào phải thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, có sản phẩm, rõ thành tích, rõ điển hình, tránh phô trương, hình thức, lãng phí.
CĐCS thành lập “Tổ hỗ trợ sáng kiến”, “Tổ ươm mầm ý tưởng”
Để phong trào thực sự đi vào cuộc sống, việc tổ chức phong trào được xây dựng cụ thể, trong đó tổ chức ký kết giao ước thi đua thực hiện phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động của tổ chức CĐ”. Khuyến khích cán bộ CĐ, nhất là cán bộ chuyên trách CĐ đăng ký đề tài, sáng kiến liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức CĐ. Khi cá nhân hoặc nhóm cán bộ CĐ có ý tưởng mới thì điền vào phiếu đăng ký sáng kiến và gửi cho bộ phận làm công tác thi đua khen thưởng cấp mình để tổng hợp trình Hội đồng sáng kiến, khi được chấp thuận thì tiến hành xây dựng hồ sơ cụ thể về tên sáng kiến, nội dung sáng kiến để trình các cấp khen thưởng.
CĐCS thành lập “Tổ hỗ trợ sáng kiến”, “Tổ ươm mầm ý tưởng” để nắm bắt, hỗ trợ, hướng dẫn cá nhân nêu ý tưởng, phát huy ý tưởng và triển khai thực hiện ý tưởng và lập hồ sơ đề nghị công nhận sáng kiến. Ban Chấp hành CĐCS, tổ trưởng CĐ tiếp nhận các ý tưởng, sáng kiến và thành lập Hội đồng sáng kiến để xem xét, đánh giá công nhận sáng kiến ở cấp mình và đề nghị CĐ cấp trên xem xét công nhận sáng kiến theo quy định. Các CĐ cấp trên cơ sở thành lập Hội đồng sáng kiến để xem xét công nhận sáng kiến ở cấp mình và trình cấp trên xem xét công nhận sáng kiến và khen thưởng theo quy định. Mỗi cấp CĐ có Sổ vàng sáng kiến để mỗi khi cá nhân hoặc nhóm cán bộ CĐ trong đơn vị có sáng kiến mới được ứng dụng vào thực tiễn đem lại hiệu quả cao và được Hội đồng sáng kiến cấp mình công nhận thì được ghi vào Sổ vàng sáng kiến. Sáng kiến mới phải được đăng ký; Sổ vàng sáng kiến là căn cứ quan trọng trong đánh giá hiệu quả thi đua hằng năm, làm cơ sở quan trọng trong xét đề nghị nâng lương trước thời hạn, biểu dương, khen thưởng và đề nghị bổ nhiệm, giới thiệu đề cử vào các vị trí công tác cao hơn. Bộ phận làm công tác thi đua khen thưởng ở mỗi cấp CĐ phải theo dõi tổng hợp, ghi sổ sáng kiến của đơn vị.
Đối với biện pháp tổ chức phong trào còn có việc phổ biến, tuyên truyền, vận động; Kiểm tra, đánh giá; Chính sách khuyến khích tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào. Kế hoạch thực hiện cũng nêu rõ tiêu chuẩn khen thưởng đối với cá nhân, tập thể.
Nguyên Anh (nguồn: laodong.vn)