[In trang]
Công đoàn sát cánh cùng chuyên môn trong công tác đào tạo
Thứ bảy, 04/01/2014 - 09:26
Ngày 5/10/2013, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động công đoàn khối trường đào tạo năm học 2012-2013 và nhiệm vụ năm học 2013-2014. Nhân dịp này, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã trao tặng Cờ thi đua xuất sắc cho 9 tập thể, Bằng khen cho 26 tập thể và 59 cá nhân; Công đoàn Công Thương Việt Nam cũng tặng Cờ thi đua xuất sắc cho 12 tập thể, Bằng khen cho 113 tập thể và 235 cá nhân.
Ngày 5/10/2013, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động công đoàn khối trường đào tạo năm học 2012-2013 và nhiệm vụ năm học 2013-2014. Nhân dịp này, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã trao tặng Cờ thi đua xuất sắc cho 9 tập thể, Bằng khen cho 26 tập thể và 59 cá nhân; Công đoàn Công Thương Việt Nam cũng tặng Cờ thi đua xuất sắc cho 12 tập thể, Bằng khen cho 113 tập thể và 235 cá nhân.

Công đoàn tham gia công tác tuyển sinh

Tuyển sinh giảm qua các năm đang là nỗi lo của hầu hết các trường đào tạo thuộc ngành Công Thương. Bộ Công Thương hiện đang quản lý 51 trường đại học, cao đẳng, bồi dưỡng trung học và trung cấp, với số lượng 415.487 học sinh, sinh viên của năm 2012-2013. Qui mô của hầu hết các bậc đào tạo đều giảm, chỉ có hệ thạc sĩ (tăng cao nhất tới 287%) và cao đẳng nghề chính quy (tăng 10%). Nguồn tuyển sinh suy giảm mạnh đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc tăng qui mô, có cấu ngành nghề phân bố theo nhu cầu người học, tạo ra sự mất cân đối gây khó khăn cho công tác đào tạo. Mặt khác, kinh phí cho các chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện dạy học bị hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển qui mô và ngành nghề đào tạo nên phần nào ảnh hưởng đến tâm tư, việc làm, thu nhập của cán bộ, giáo viên trong khối Trường đào tạo.

Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam Lý Quốc Hùng trao cờ thi đua

cho các đơn vị đạt thành tích

Để tháo gỡ những khó khăn trong công tác tuyển sinh, tổ chức công đoàn của các trường đã vào cuộc cùng lãnh đạo chuyên môn. Tại Trường Cao đẳng kinh tế - kỹ thuật Thương mại đã thành lập bộ phận chuyên về tư vấn tuyển sinh mà nòng cốt là các đơn vị chức năng với sự tham gia của đại diện tổ chức công đoàn. Bộ phận này chỉ đạo phân công cụ thể cho từng cá nhân hoặc nhóm phụ trách từng khu vực tuyển sinh và có cơ chế đãi ngộ, khuyến khích cho công tác tuyển sinh phù hợp với tình hình hiện nay. Đồng thời tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị, trường học trong và ngoài khu vực. Điều đó đã góp phần tháo gỡ những khó khăn trong công tác tuyển sinh của Nhà trường.

Nâng cao chất lượng dạy và học

Tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm và sự đánh giá của người sử dụng lao động chính là thước đo về chất lượng đào tạo, cũng như làm nên thương hiệu của một địa chỉ đào tạo. Do đó, tự các Trường đều tích cực nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên, đổi mới giáo án, chương trình dạy học và tăng cường mối quan hệ với các doanh nghiệp để giáo viên và học sinh được cọ sát thực tế, dạy và học theo nhu cầu của doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Công đoàn Công Thương VN Nguyễn Xuân Thái phát biểu tại Hội nghị

Tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Công đoàn đã tham gia cùng chính quyền tổ chức nhiều hội thảo và hội nghị khoa học cấp trường về cách soạn thảo và triển khai giáo án điện tử, thiết kế slide hiệu quả, vận dụng phương pháp giảng dạy mới vào chương trình dạy và học, nâng cao chất lượng công tác giảng dạy. Hình thức hợp tác với các doanh nghiệp cũng được Nhà trường đầu tư mạnh mẽ để giáo viên giảng dạy không chỉ vững về lý thuyết mà còn được nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề và kinh nghiệm thực tiễn.

Phó Chủ tịch Công đoàn Công Thương VN Nguyễn Xuân Thái và Trịnh Xuân Tuyên trao cờ cho các đơn vị đạt thành tích

Chung kinh nghiệm này, Trường Cao đẳng Công nghiệp Hưng Yên cũng xây dựng khung chương trình đào tạo chung hướng đến nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp. Nhà trường đã chủ động trong việc phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị về nhu cầu lao động để từ đó thay đổi cách đào tạo cho phù hợp, thay vì đào tạo những gì Trường có thì đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội. Kết quả là, năm học 2012-2013, Trường có trên 2.000 sinh viên tốt nghiệp mà nhờ mối quan hệ chặt chẽ với doanh nghiệp đã có hơn 80% sinh viên có việc làm đúng chuyên ngành, hơn 50% sinh viên có việc làm ổn định và đã quay lại Trường tiếp tục học liên thông lên đại học.

Nhiệm vụ năm học 2013-2014

Năm học 2013-2014, khó khăn lớn nhất vẫn là công tác tuyển sinh. Do đó, kết luận Hội nghị tổng kết hoạt động công đoàn khối trường đào tạo năm học 2012-2013 và nhiệm vụ năm học 2013-2014, Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam Lý Quốc Hùng nhấn mạnh: Để Nghị quyết Đại hội II Công đoàn Công Thương đi vào cuộc sống, tổ chức Công đoàn trong các Trường đào tạo hơn bao giờ hết cần sát cánh với chuyên môn tìm các giải pháp nâng cao chất lượng dạy học, lên kế hoạch cho mùa tuyển sinh tiếp theo. Bên cạnh đổi mới phương thức hoạt động, tổ chức Công đoàn cần quan tâm đến quyền lợi của đội ngũ cán bộ, giáo viên, chủ động nắm bắt các bất cập, khó khăn trong việc triển khai, áp dụng các chính sách, đẩy mạnh các phong trào thi đua, chăm lo đời sống để động viên anh chị em yên tâm công tác.

Nhân dịp này, Công đoàn Công Thương Việt Nam cũng tổ chức trao thưởng cho các đơn vị và cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động công đoàn năm học 2012-2013.

Hồ Nga