[In trang]
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 19/7
Thứ ba, 19/07/2016 - 17:06
Trong ngày 19 tháng 7 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước
Trong ngày 19 tháng 7 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước, như: Xuất khẩu tôm hưởng lợi từ FTA Việt Nam - Hàn Quốc; Tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu trong kỳ 2 tháng 6 tăng nhẹ; Kiểm tra formaldehyde: Sửa ngay để gỡ khó cho doanh nghiệp dệt may; Doanh nghiệp thép gồng mình cạnh tranh với thép nhập khẩu; Bộ Công Thương quyết định áp thuế tự vệ với phôi và thép dài nhập khẩu.  

Thông tin cụ thể như sau:

1.Xuất khẩu tôm hưởng lợi từ FTA Việt Nam - Hàn Quốc.


Sau hơn nửa năm thực hiện Hiệp định thương mai tự do (FTA) Việt Nam - Hàn Quốc, xuất khẩu tôm của nước ta vào thị trường Hàn Quốc đã có sự chuyển biến rõ rệt.

Theo cam kết trong 5 năm tới, phía Hàn Quốc sẽ tiếp tục nâng hạn ngạch tôm xuất khẩu của nước ta vào thị trường nước này lên mức 15.000 tấn. Ngược lại, thách thức mà Hàn Quốc dành cho con tôm Việt Nam sẽ siết chặt hơn về vấn đề chất lượng.

Đến nay, Hàn Quốc đang là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ năm của Việt Nam, với giá trị xuất khẩu trên nửa tỷ USD mỗi năm. 

2. Tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu trong kỳ 2 tháng 6 tăng nhẹ.

Theo Hải quan Việt Nam, tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 6 đạt gần 7,43 tỷ USD, tăng nhẹ 1,3% (tương ứng tăng 97 triệu USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong kỳ 1 tháng 6.

Đáng chú ý, trong kỳ 2 tháng 6/2016, Việt Nam nhập khẩu 249 triệu USD xăng dầu các loại, tăng 10,4% so với kỳ 1 tháng 6/2016, tương ứng tăng 23 triệu USD, lũy kế 6 tháng Việt Nam nhập khẩu gần 2,5 tỷ USD. Đặc biệt, nhập khẩu xăng dầu vẫn nằm trong top 10 nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. 

3. Kiểm tra formaldehyde: Sửa ngay để gỡ khó cho doanh nghiệp dệt may.

Suốt 7 năm qua, nhiều doanh nghiệp dệt may bức xúc trước quy định của Bộ Công Thương về kiểm tra hàm lượng formaldehyde và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo (gọi tắt là kiểm tra formaldehyde) trong sản phẩm dệt may theo Thông tư 32/2009 và sau đó sửa đổi thành Thông tư 37/2015. Trong lúc Bộ Công Thương đang lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp dệt may về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Thông tư 37/2015, thì lại có ý kiến cho rằng, việc ban hành Thông tư này là trái quy định và cần bãi bỏ ngay.

Trong bối cảnh này, một thông tư gây nhiều bức xúc đối với cộng đồng doanh nghiệp vì gây tốn kém thời gian, tiền của, chưa kể là còn những bất cập trong quá trình ban hành, thì rõ ràng phải được nghiên cứu, xem xét sửa đổi cho phù hợp thực tiễn. Có như vậy mới tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và nâng cao được sức cạnh tranh.

Nhận định về việc doanh nghiệp dệt may gặp khó vì cơ chế chính sách, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cho biết: Không phải vốn mà là cơ chế chính sách với các nghị định không phù hợp mới chính là những rào cản khiến doanh nghiệp dệt may đang gặp khó khăn trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều cạnh tranh.

4. Doanh nghiệp thép gồng mình cạnh tranh với thép nhập khẩu.


Từ đầu năm đến nay, thép nhập khẩu ồ ạt tràn vào Việt Nam, theo dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh vào nửa cuối năm nay khiến các doanh nghiệp thép trong nước dù đã được áp thuế tự vệ nhưng vẫn gặp không ít khó khăn. Dự báo, thời gian tới, việc tiêu thụ thép sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Tình trạng cung vượt xa cầu khiến nhiều doanh nghiệp lớn bị thua lỗ. Bên cạnh đó, ngành thép trong nước còn đối mặt với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Trước tình hình đó, nhiều chuyên gia trong ngành thép cho rằng, nếu không nhanh chóng có giải pháp hạn chế lượng nhập khẩu thép, nhất là từ phía đối tác Trung Quốc và gia tăng thị phần cho thép nội thì các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước sẽ vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là khi mùa xây dựng đang đến gần.

5. Bộ Công Thương quyết định áp thuế tự vệ với phôi và thép dài nhập khẩu.

Sau thời gian áp thuế tự vệ tạm thời, Bộ Công Thương đã quyết định chính thức áp dụng biện pháp tự vệ với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam từ nay tới hết tháng 3/2020. Cụ thể, mặt hàng nhập khẩu bị áp dụng biện pháp tự vệ gồm phôi thép hợp kim và không hợp kim; các sản phẩm thép dài hợp kim và không hợp kim (gồm thép cuộn và thép thanh) nhập khẩu vào Việt Nam.

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)