[In trang]
Đánh giá nghệ thuật của Nhạc sỹ Trần Long Ẩn tại Hội diễn NTQC ngành Công Thương, khu vực phía Nam
Thứ hai, 16/05/2016 - 11:13
Xin giới thiệu bài viết đánh giá chất lượng nghệ thuật Hội diễn khu vực phía Nam của Nhạc sĩ Trần Long Ẩn - Trưởng ban Giám khảo

Từ ngày 9-10/5, tại Nhà hát Bến Thành - TP. Hồ Chí Minh, đã diễn ra Hội diễn Nghệ thuật quần chúng ngành Công Thương năm 2016 - khu vực phía Nam. 

Tại đêm bế mạc Hội diễn, Nhạc sĩ Trần Long Ẩn - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh - Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam - Chủ tịch Hội Âm nhạc TP. Hồ Chí Minh - Trưởng ban Giám khảo Hội diễn khu vực phía Nam đã đánh giá chất lượng nghệ thuật Hội diễn. Xin trân trọng giới thiệu.


Nhạc sĩ Trần Long Ẩn đánh giá chất lượng nghệ thuật Hội diễn

- Kính thưa ông Lý Quốc Hùng, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn LĐVN, Chủ tịch CĐCTVN.

- Kính thưa các đồng chí và các anh chị em diễn viên,

- Kính thưa quý vị khán thính giả,

Nhiệt liệt chào mừng thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, 65 năm truyền thống ngành Công Thương Việt Nam, 41 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 126 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; đặc biệt chào mừng bầu cử Quốc hội khóa 14 và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, Công đoàn Công Thương VN tổ chức Hội diễn NTQC ngành Công Thương lần thứ II, năm 2016, là một hoạt động có ý nghĩa sâu sắc và thiết thực.

Nhờ có sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo ngành Công Thương, của Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức và sự hưởng ứng nhiệt tình của các đơn vị tham gia, và nhất là sự cống hiến hết mình của các anh chị em diễn viên, Hội diễn của chúng ta đã thành công tốt đẹp.

Các chương trình tham gia Hội diễn lần này đã tạo nên một "Bản Đại hợp tấu" của ngành Công Thương Việt Nam, là tiếng nói quyết tâm của toàn Ngành vượt qua mọi khó khăn, thách thức để đạt được những thành tích to lớn, vang dội hơn nữa trong thời gian tới.

Qua Hội diễn lần này, các cán bộ công đoàn viên của các đơn vị càng gắn bó, đoàn kết mạnh mẽ hơn nữa, tạo thành xung lực mới đánh thức mọi tiềm năng sáng tạo trong lực lượng lao động của toàn ngành Công Thương, nhất là góp phần trực tiếp sáng tạo về văn học, nghệ thuật. Một lần nữa, nó khẳng định quan điểm đúng đắn của Đảng về phát triển kinh tế, không thể tách rời phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật.

Thay mặt Ban Giám khảo, gồm có: NSƯT Phan Muôn - Ban Ca nhạc Đài Tiếng nói VN, NSND Hà Thế Dũng - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa TP. Hồ Chí Minh - Hiệu trưởng trường Múa TP. Hồ Chí Minh, Nhạc sĩ Trần Long Ẩn - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh - Phó Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam - Chủ tịch Hội Âm nhạc TP. Hồ Chí Minh xin chân thành cảm ơn Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Hội diễn đã tín nhiệm giao cho chúng tôi làm nhiệm vụ Ban Giám khảo. Chúng tôi đã làm việc một cách công tâm, dân chủ, công khai, minh bạch, góp phần nhỏ bé của mình vào thành công chung của Hội diễn.

Sau đây, được sự ủy quyền của Ban Giám khảo và Ban Tổ chức, tôi xin có mấy ý kiến tâm sự, trao đổi với các anh chị diễn viên của các đoàn tham gia Hội diễn lần này về mặt chuyên môn nghệ thuật.

I. Ngoài tài năng nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo các đơn vị, Hội diễn đã huy động được một lực lượng lớn diễn viên. Đây là một nỗ lực đặc biệt quan trọng quyết định sự thành công của Hội diễn.

Qua các chương trình biểu diễn chúng ta cũng đã thấy được sức đầu tư công của các đơn vị là rất lớn. Nổi bật nhất là các đơn vị: Công đoàn TCty CP Bia - Rượu - NGK Sài Gòn, Công đoàn Cty CP Sữa Việt Nam Vinamilk, Công đoàn Cty CP Tập đoàn Intimex, Công đoàn TCty Thuốc lá Việt Nam, Công đoàn ngành Công Thương Đồng Nai và một số đơn vị khác.

II. Về các loại hình nghệ thuật và các thể loại tham gia Hội diễn lần này khá phong phú, gồm: Ca, múa, nhạc, kịch, vọng cổ, hòa tấu, độc tấu nhạc cụ...

III. Điểm nổi bật nhất là các tác phẩm nói về ngành nghề, về đơn vị mình khá phong phú và đạt chất lượng nghệ thuật. Các tiết mục ca ngợi Đảng, Bác Hồ, về truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc qua các thời kỳ cũng khá đậm nét trong sáng tác và biểu diễn, nhất là về đề tài học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

IV. Về phục trang của các đơn vị biểu diễn, hầu hết rất lộng lẫy, phong phú, đậm đà bản sắc các dân tộc, vùng miền.

V. Về tài năng nghệ thuật, qua Hội diễn lần này, nhiều tài năng về hát, múa, dàn dựng, đạo diễn chương trình đã xuất hiện khá rõ nét và đáng trân trọng.

VI. Lực lượng chuyên nghiệp gồm các nhà đạo diễn, biên kịch, dàn dựng, hòa âm phối khí, biên đạo múa... thật sự là những tài năng lớn trong sáng tạo văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, đang truyền dạy, truyền nghề cho lực lượng phong trào văn nghệ quần chúng. Nhiều đơn vị có cấu trúc chương trình rất chặt chẽ, nghệ thuật đã đem lại hiệu quả cao cho chương trình.

VII. Về lực lượng khán thính giả, đã có một bước chuyển biến đáng ghi nhận về quan niệm và nhận thức. Họ động viên, cổ vũ nhiệt tình, đồng đều cho các đơn vị và các tiết mục, không thiên vị.

VIII. Các đơn vị tham gia Hội diễn lần này tuân thủ rất tốt các quy chế, quy định biểu diễn, làm cho Hội diễn thêm công bằng, minh bạch. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu rất đáng được ghi nhận và đánh giá cao thì cũng còn một số mặt hạn chế nhất định, cần quan tâm:

- Ví dụ như: Chương trình của Công đoàn trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, tác phẩm tự biên rất tốt, hát rất tốt, nội dung phù hợp với sinh viên. Nhưng, chương trình "dày quá", giá mà cấu trúc chương trình có độ dày, mỏng tương phản nhau thì hiệu quả chương trình sẽ cao hơn.

Hoặc như chương trình của Công đoàn Công ty CP Đồng Tiến (thuộc Công đoàn Công Thương Đồng Nai), hầu hết các tiết mục hát đều có sắc thái, ca và múa đều đẹp. Ca khúc về Đồng Tiến rất tốt. Tiết mục "Bài ca may áo" nâng lên một tông sẽ hay hơn.

Hay như chương trình của Công doàn Cty CP Sữa Vinamilk, đã rất tốt, rất ấn tượng rồi. Tuy nhiên, tiết mục "ca ngợi Tổ quốc" đẹp, cảnh sắc rực rỡ, song hát chưa hay, nên hát le'gato ở phần mở đầu sẽ đạt hiệu quả cao hơn, đúng chất của tác giả Hồ Bắc hơn.

Hay như chương trình của Intimex Group, tiết mục "Tháng Năm nhớ Bác", bè nữ rất tuyệt, múa tốt, nhưng đơn ca cần trau chuốt hơn nữa. Tóm lại, tiết tấu chương trình tốt, màu sắc rõ ràng từng tiết mục, có nghệ thuật tinh tế. Âm nhạc cho múa rất tốt, nhưng tam ca nam thì ba bè chưa hòa. Ấn tượng nhất của chương trình là tiết mục kết thúc "Intimex Group, Khát vọng vươn xa" của Thanh Bình, dàn dựng có tay nghề cao, có tâm huyết với chương trình.

Một điểm quan trọng khác chúng ta cần nhắc nhở lẫn nhau:

Về múa, không nên lấy múa minh họa cho một ca khúc làm tiết mục biểu diễn; không nên nhầm trang phục: Múa Cà Tu nhưng mặc trang phục Ê-đê. Nhầm lần như thế là chưa đúng, chưa tốt.

Tóm lại, tuy còn một vài thiếu sót nhỏ như thế, nhưng toàn bộ chương trình biểu diễn của các đoàn đều rất hay, rất đẹp, ấn tượng và rất thành công.

Kính chúc các vị lãnh đạo, quý vị đại biểu và tất cả các nghệ sĩ, nhạc sĩ, các nhà biên đạo và các bạn diễn viên luôn mạnh khỏe, may mắn, hạnh phúc, nhiều sáng tạo mới và nhiều thành công mới.

Xin cảm ơn!