[In trang]
CĐCTVN tập huấn về bình đẳng giới và chính sách liên quan đến lao động nữ
Thứ sáu, 16/10/2015 - 09:31
Nữ CB, CNVCLĐ ngành Công Thương luôn nỗ lực, phát huy tối đa sức lao động, trí tuệ và sự sáng tạo của mình trên tất cả các lĩnh vực

Ngày 15/10, tại Phú Thọ, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã tổ chức kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 và Tập huấn về bình đẳng giới, chế độ chính sách mới liên quan đến lao động nữ.

Phát biểu tại buổi tập huấn, đ/c Lý Quốc Hùng - Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam - khẳng định, trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, phụ nữ Việt Nam đã có những đóng góp to lớn, góp phần làm rạng rỡ trang sử hào hùng của đất nước.


Đ/c Tạ Thị Vân Anh - Phó Chủ tịch Công đoàn Công Thương phát biểu tại hội nghị

Trong công cuộc xây dựng và đổi mới, những phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam vẫn tiếp tục được phát huy mạnh mẽ. Các tầng lớp phụ nữ luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo, tích cực thi đua, phấn đấu vươn lên hoàn thành mọi nhiệm vụ.

Đặc biệt, theo đánh giá của Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam, những năm qua, nữ cán bộ, công nhân viên lao động ngành Công Thương cũng luôn nỗ lực, phát huy tối đa sức lao động, trí tuệ và sự sáng tạo của mình trên tất cả các lĩnh vực, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp, các đơn vị hành chính trực thuộc Bộ và toàn ngành Công Thương.

Đ/c Phạm Nguyên Cường - Chuyên gia cao cấp của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO)

Cũng tại buổi tập huấn, nhằm chia sẻ kiến thức cho những người làm công tác công đoàn, bà Phạm Nguyên Cường - Chuyên gia cao cấp của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) - đã cung cấp những thông tin, đánh giá về hiện trạng lao động nữ hiện nay.

Theo bà Cường, lao động nữ tham gia lực lượng lao động và có vị thế trong việc làm luôn thấp hơn nam. Hơn nữa tỷ lệ lao động nữ làm các công việc lao động gia đình không hưởng lương là 24,5%, gấp đôi so với lao động nam (12,5%). Hơn nữa đây lại là nhóm lao động hầu như không được hưởng một loại hình bảo hiểm xã hội nào.

Chuyên gia ILO cho rằng, Việt Nam có hệ thống pháp luật về bình đẳng giới rất tốt. Tuy nhiên, việc thực thi lại chưa đạt hiệu quả thực tế. Bởi vậy, bà Cường nhận định, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, đội ngũ những người làm công đoàn phải không ngừng nâng cao hiểu biết, trau dồi kỹ năng để đưa công tác nữ công trở thành hoạt động thực chất và có hiệu quả cao.

Nguyễn Phượng

(Nguồn: Báo Công Thương)