[In trang]
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”
Thứ bảy, 02/05/2015 - 12:42
Ngày nay, những tư tưởng trên của Bác vẫn còn nguyên giá trị và có ý nghĩa to lớn, bức thiết

Quan điểm về “vấn đề cán bộ” trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (10/1947) là tư tưởng chủ đạo, thông suốt và nhất quán trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ. Đó là “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”; “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém… Vì vậy, vấn đề cán bộ là một vấn đề rất trọng yếu và cần thiết”.


Vì “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, do đó Bác chỉ rõ: “Đảng phải biết huấn luyện cán bộ”, biết “dạy cán bộ và dùng cán bộ”. Bác nói: “Đảng phải nuôi dạy cán bộ như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”. Để thực hiên điều này Bác nêu ra 6 cách thức, trong đó 3 cách thức quan trọng nhất là: 1- “Phải biết rõ cán bộ”. Đảng phải thường xuyên xem xét để hiểu rõ cán bộ, qua đó xác nhận những người tài, phát hiện những người hủ hoá. 2- “Phải cất nhắc cán bộ một cách cho đúng; khi cất nhắc cán bộ, cần phải xét rõ người đó có gần gũi quần chúng, có được quần chúng tin cậy và mến phục không. Lại phải xem người ấy xứng với việc gì. Nếu cất nhắc không cẩn thận, không khỏi đem người bô lô ba la, chỉ nói mà không biết làm vào những địa vị lãnh đạo, như thế rât có hại”. 3- “Phải khéo dùng cán bộ” Bác nhắc nhở: “Thường chúng ta không biêt tuỳ từng tài mà dùng người”. Đồng thời Bác phê phán những sai lầm trong việc dùng cán bộ và cất nhắc cán bộ mà Bác gọi là những “chứng bệnh” như: Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, những người tính phù hợp với mình…

Trong việc lựa chọn cán bộ, Bác nêu ra các tiêu chí thiết yếu về người cán bộ tốt: “Những người đã tỏ ra rất trung thành và hăng hái trong công việc, trong lúc đấu tranh. Những người liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu biết dân chúng. Luôn luôn chú ý đến lợi ích của dân chúng. Như thế thì dân chúng mới tin cậy cán bộ và nhận cán bộ đó là người lãnh đạo của họ”. Bác còn nhắc nhở “Đã lựa chọn đúng cán bộ, còn cần phải dạy lý luận cho cán bộ, chỉ thực hành mà không có lý luận, cũng như có một mắt sáng, một mắt mờ”.

Phải biết lựa chọn cán bộ, biết dùng cán bộ và yêu thương cán bộ, nhưng Bác dạy là Đảng phải kịp thời xử lý kỷ luật nghiêm minh khi cán bộ mắc sai lầm, khuyết điểm. Bác nói: “Sửa chữa sai lầm, cố nhiên là cần dùng cách giải thích, thuyết phục, cảm hoá. Song, không phải tuyệt nhiên không dùng  xử phạt. Lỗi lầm có việc to, việc nhỏ. Nếu nhất luật không xử phạt thì sẽ mất cả kỷ luật, thì sẽ mở đường cho bọn cố ý phá hoại. Vì vậy, hoàn toàn không dùng xử phạt là không đúng”. Và Bác nhấn mạnh: “Phê bình cho đúng, chẳng những không giảm thể diện và uy tín của cán bộ, của Đảng. Trái lại, càng làm cho sự lãnh đạo mạnh mẽ hơn, thiết thực hơn, do đó mà uy tín và thể diện càng tăng thêm”. Trong thực tế, Bác đã ký một số sắc lệnh ấn định hình phạt tù khổ sai hoặc tử hình về tội nhận hối lộ, tham nhũng và 2 lệnh tử hình: Một đại tá mắc tội tham nhũng, một thứ trưởng mắc tội giết vợ.

Ngày nay, những tư tưởng trên của Bác vẫn còn nguyên giá trị và có ý nghĩa to lớn, bức thiết. Hệ quả của sự tuỳ tiện, vội vàng trong cất nhắc cán bộ không những làm cho đất nước rơi vào tình trạng kém phát triển, đời sống đại bộ phận nhân dân còn nghèo nàn; nạn tham nhũng, lãng phí đang diễn ra phức tạp mà còn làm cho hoạt động của các cơ quan công quyền và đoàn thể rơi vào tình trạng trì trệ, bè phái, ngáng trở sự nghiệp chung. Cho nên, thấy cần phải nhắc lại điều hệ trọng này: Học tập tư tưởng đạo đức Bác Hồ - điều minh bạch và thiết thực nhất - là phải tích cực làm theo lời Bác dạy bằng những hành động cụ thể. Những kẻ chỉ nói mà không làm là những kẻ nói suông, bất tài, vô dụng.

                                                                               TD